Đức Hòa tiên phong tìm hướng phát triển du lịchArticle thumbnail

Đức Hòa tiên phong tìm hướng phát triển du lịch

05/06/2023
00:19
Phóng sự: Đức Hòa tìm hướng phát triển du lịch “Đức Hòa sức sống mới” là chủ đề của chương trình Famtrip được lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An thiết kế riêng dành cho doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia du lịch cũng như các đơn vị truyền thông nhằm giúp các đại biểu trải nghiệm các điểm đến, các di tích văn hóa lịch sử địa phương để từ đó xây dựng thành các tour, tuyến du lịch đặc sắc, đưa khách du lịch về với Đức Hòa tham quan, trải nghiệm, khai thác tốt các tiềm năng, các tài nguyên du lịch ở địa phương trong tương lai. Bên cạnh những mặt mạnh như gần TPHCM - thị trường du khách lớn của cả nước, có hơn 35km sông Vàm Cỏ Đông chạy dọc theo địa bàn, du lịch sinh thái nông nghiệp đa dạng, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém của địa phương để từng bước khắc phục và tìm hướng phát triển ngành công nghiệp không khói này ở Đức Hòa trong thời gian tới đây. Đây cũng là nội dung đầu tiên của chương trình BTĐT số phát sóng kỳ này. Nhìn thẳng nói thật: Đức Hòa - Nhìn vào hạn chế để nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch địa phương Thưa quý vị! Trước khi bước vào hội thảo, các đại biểu tham gia famtrip “Đức Hòa sức sống mới” có một ngày trải nghiệm các địa điểm ở địa phương này như tham quan Làng cổ Phước Lộc Thọ, di tích vườn nhà ông Bộ Thỏ, tham quan chùa Pháp Minh và trải nghiệm hoạt động thiền tại không gian của chùa; trải nghiệm du lịch golf tại West lakes Golf&Villa, tham quan làng nghề chằm nón lá Đức Hòa, trải nghiệm khu du lịch, nghỉ dưỡng lưu trú tại Mỹ Quỳnh Zoo. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&Nhân văn TPHCM, đây là những nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch đến với Đức Hòa hiện nay. Tuy nhiên, Đức Hòa còn có một số điểm nhấn khác có thể khai thác như các làng nghề truyền thống gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop, du lịch gắn với ẩm thực, khai thác thế mạnh đờn ca tài tử... Ông Thanh cũng chỉ rõ, tới đây, Đức Hòa cần xây dựng thương hiệu du lịch riêng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong các dịch vụ du lịch, xác định lại thị trường khách du lịch để có giải pháp thu hút du khách phù hợp. “Chúng tôi nghĩ Đức Hòa sẽ nổi trội lên loại hình du lịch lịch sử gắn với sông nước. Địa phương nên đặt hàng các DN hoặc các chuyên gia xây dựng các sản phẩm riêng, đặc thù như: chương trình “Hành trình về nguồn” trên địa bàn Đức Hòa, “Khám phá dấu xưa tích cũ” gắn với các điểm lịch sử. Còn gắn với văn hóa nên kết hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn, đường sông đường thủy để triển khai tour “một ngày làm nông dân”…. giúp du khách có thời gian trải nghiệm đời sống người dân tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất nông nghiệp”, ông Thanh nói thêm. Cũng nhấn mạnh đến những tiềm năng và thế mạnh hiện có của du lịch Đức Hòa, bà Trần Minh Thảo, Giám đốc Công ty V-Trip Travel, để khai thác hiệu quả điều đó, tới đây, cần phải xây dựng kế hoạch tổng thể để có sự định hướng rõ ràng trong chiến lược xây dựng, trong các chính sách phát triển du lịch địa phương, kêu gọi và thu hút đầu tư, thu hút du khách. Theo bà Thảo, chính sách này cần phải có tính thống nhất, đồng bộ để các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm chào bán ra thị trường. Đức Hòa cũng cần xác định lại thị trường khách du lịch trọng điểm của mình để khai thác đúng theo từng phân khúc thị trường riêng. Nói về thế mạnh và sự cạnh tranh của du lịch địa phương này, bà Thảo chỉ ra rằng, “Theo tôi, Đức Hòa không có một lợi thế cạnh tranh nào hết nếu so với các tỉnh khác trong vùng. Thấy như thế để chúng ta nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm, xây dựng các sản phẩm thuộc thế mạnh của mình. Quanh đây có nhiều Khu công nghiệp nhưng tôi thấy tiềm năng này chưa được chú ý vì Đức Hòa thiếu hạ tầng sẵn sàng đáp ứng, phục vụ cho dòng khách này. Chúng ta đi sau nên cũng phải rút kinh nghiệm, không cần copy các mô hình du lịch của các nước. Chúng ta cần phải xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt để nói tới Đức Hòa thì khách đến đó phải chọn trải nghiệm dịch vụ ở đây, như tới Đà Nẵng chắc chắn phải chụp hình với Cầu Vàng, đến Lào Cai thì check-in đỉnh Fansipang, Sapa…”. “Đức Hòa - Sức sống mới” là một chuyến famtrip nhằm giới thiệu với các đại biểu về một bộ sản phẩm du lịch đầu tiên của huyện chứ không hoàn toàn là giới thiệu các tài nguyên du lịch hiện có ở địa phương. Theo bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Sự kiện và Truyền thông Cười Lên Nào, đây là sản phẩm mẫu mà lãnh đạo huyện chủ động phối hợp với Golden Smile Travel tổ chức và giới thiệu với các đơn vị lữ hành tại TPHCM trải nghiệm, xây dựng các tour giới thiệu đến du khách. Theo bà Ly, Đức Hòa có 2 dòng sản phẩm, gồm du lịch vui chơi - giải trí và sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử. Tuy vậy, để xây dựng được 2 dòng sản phẩm này vẫn phải cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn. “Chúng ta có thể tập trung xây dựng 2 loại hình du lịch chủ yếu là vui chơi giải trí và văn hóa lịch sử sẽ dễ hơn vì chúng ta có nhiều di tích lịch sử gắn với hoạt động cách mạng và di chỉ Óc Eo để kéo dài hành trình khám phá đi tìm những hành trình đã mất của vương quốc Phù Nam xưa…Chúng ta cũng cần xây dựng bộ thuyết minh hấp dẫn dành cho khách du lịch. Những điểm vui chơi, giải trí có sự đầu tư lớn nhưng thiếu các dịch vụ gia tăng bên cạnh như khu bán đồ lưu niệm, các món ăn đặc trưng, các hoạt động vui chơi giải trí khác… Chúng ta cũng phải tạo được cảm xúc cho du khách khi tham gia vui chơi…cũng chưa có”, bà Ly phân tích. Tại Hội thảo, ông Phan Nhân Duy, Bí thư huyện ủy Đức Hòa chia sẻ, lãnh đạo huyện rất trăn trở vì địa phương có nhiều điểm du lịch nhưng việc gắn kết chúng lại và quảng bá trên các phương tiện truyền thông vẫn chưa được triển khai, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có do huyện chưa có quy hoạch tổng thể để định hướng thu hút đầu tư mặc dù huyện nằm kề TPHCM. Theo ông Nhân, Đức Hòa xác định trục giao thông trọng yếu của địa phương là trục kết nối từ Quốc lộ 22 đến Quốc lộ 1 và đang được đầu tư xây dựng. “Hiện nay đường Hồ Chí Minh đang dự kiến khởi công xây lại, kết nối từ vòng xoay Hậu Nghĩa, từ đây, huyện Đức Hòa cùng với tỉnh đầu tư 14,2 km kết nối tới TPHCM. Đường mở rộng GPMB 80m, rộng 40m, hiện nay cũng đang thi công. Đây là trục xương sống của huyện, kết nối giữa Quốc lộ 22 và QL1 để khai thác, định hướng phát triển giao thông tốt hơn. Đối với các trục hiện hữu như tỉnh lộ 8,910, tỉnh và huyện đang đầu tư mở rộng, nâng cấp trong thời gian tới” ông Nhân nói. Theo chia sẻ của ông Lê Thành Phong, Quyền Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, thời gian qua, huyện là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh nhất của tỉnh Long An. Hiện nay, huyện dành hơn 30% quỹ đất cho phát triển công nghiệp - thương mại, các khu đô thị mới cũng đang được đầu tư… Tuy nhiên, để từng bước chuyển hướng mạnh sang việc phát triển thương mại - dịch vụ, địa phương này cũng cần nhiều hơn nữa sự đầu tư từ các doanh nghiệp lớn từ TPHCM cũng như của cả nước. Theo ông Phong, trong tháng 6 này, một hội nghị lớn sẽ được tổ chức về lĩnh vực xúc tiến đầu tư để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực quan tâm, đầu tư. Ông Phong nói, “Cuối tháng 6 chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Chúng tôi sẽ kêu gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Đức Hòa như công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị… Chúng tôi sẽ chú ý đối với các đầu tư về dịch vụ hạ tầng thương mại mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi. Hiện nay, một số khu đất chúng tôi đang GPMB tổ chức đấu giá. Theo kế hoạch từ nay đến 2025, Đức Hòa phấn đấu có ít nhất 1 khách sạn có tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao trở lên. Khách sạn kết hợp Trung tâm thương mại, có shop house với những thương hiệu lớn trong nước và trên thế giới để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân”. Quyết tâm phát triển du lịch cũng là quyết tâm chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế thương mại dịch vụ. Song để đạt mục tiêu đón 56.000 lượt khách trong nay của ngành du lịch huyện Đức Hóa, trong đó có 6.200 lượt khách quốc tế là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, từng bước hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng điểm đến, chú trọng xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao và các dịch vụ phụ trợ, giải trí, mua sắm…Có như thế lượng khách đến với Đức Hòa mới đạt như kỳ vọng đề ra.
13:36
Băng ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An tiềm năng du lịch hiện có ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng như những thách thức đặt ra, những giải pháp cần làm để du lịch huyện Đức Hòa phát triển, thu hút đạt 56.000 lượt khách trong tương lai, BTĐT tiếp theo đây, chúng tôi xin được trích chia sẻ của ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An xung quanh vấn đề này. Mời quý vị thính giả cùng nghe.
19:35
Điểm tin du lịch
25:42
Phóng sự: Về Phú Quý ngắm bình minh cực đẹp

Với 4 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, 13 di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, 35km chiều dài sông Vàm Cỏ Đông, có sân golf, vườn thú safari... Đây là những lợi thế để phát triển du lịch ở Đức Hòa trong tương lai

CÁC SỐ KHÁC

Radio TOP 100

Xem thêm Radio TOP 100