Dấu ấn từ những môn thể thao Olympic

(VOH) - Để đủ sức cạnh tranh ở các đấu trường có độ cạnh tranh khốc liệt như ASIAD hay tầm cao hơn là Olympic, thể thao Việt Nam cần phải thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa từ các cấp quản lí đến đội ngũ HLV, VĐV.

 SEA Games 28 đã khép lại với rất nhiều điều đáng nhớ. Những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc, thăng hoa cùng chiến thắng, hay nuối tiếc tột cùng khi lỡ hẹn vinh quang, những cái bắt tay thật chặt của các đối thủ - những người bạn…đều là những khoảnh khắc góp phần làm nên một kỳ SEA Games thành công rực rỡ.

Hơn 400 bộ huy chương đã tìm được chủ nhân xứng đáng. Với tổng cộng 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ, xếp hạng 3 chung cuộc, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường là giành từ 56  đến 65 HCV. Đáng nói hơn, những môn thể thao Olympic đã gây được tiếng vang cùng nhiều dấu ấn đậm nét, chứng tỏ những bước chuyển hướng đầu tư của TTVN đã mang về những kết quả đầy khả quan.

Trong tổng số hơn 70 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 28, gần 90% thuộc về các môn Olympic. Đây là con số vượt trội so với tỷ lệ đạt gần 65% ở SEA Games 27. Con số ấn tượng này có được nhờ tất cả các môn thuộc hệ thống Olympic của thể thao Việt Nam đều đã thi đấu hết sức thành công, nhiều môn vượt chỉ tiêu hơn cả mong đợi. Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm là bơi đoạt 10 HCV, điền kinh giành 11 HCV, hay thể dục dụng cụ 9 HCV, xứng đáng được ghi công đầu. Các môn còn lại như đua thuyền đoạt 9 HCV, đấu kiếm giành 8 HCV, Taekwondo 5 HCV hay bắn súng 4 HCV cũng thành công rực rỡ, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của đoàn TTVN.

Ánh Viên là gương mặt nổi bật không chỉ của TTVN mà còn của cả SEA Games 28. Ảnh: Zing

VĐV Việt Nam xuất sắc nhất SEA Games 28 chắc chắn là "nàng tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên, khi 1 mình cô mang về 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, phá đến 8 kỷ lục SEA Games. Làm dậy sóng đường đua xanh trong những ngày diễn ra đại hội, Ánh Viên vẫn chưa hài lòng với những kết quả mà cô đã đạt được.

HLV Đặng Anh Tuấn đánh giá, qua thành tích tại SEA Games lần này, nhiều nội dung thi đấu của Ánh Viên đã tiệm cận tới huy chương ASIAD.

Bên cạnh thành tích xuất sắc của môn bơi, đội tuyển điền kinh cũng là điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28. Trong đó, Nguyễn Thị Huyền trở thành VĐV đầu tiên đạt chuẩn Olympic 2016 với 2 HCV 400m và 400m rào nữ, đồng thời xô đổ kỷ lục tồn tại 20 năm ở nội dung 400m rào; Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục tồn tại 22 năm ở nội dung chạy 5000m hay đội chạy tiếp sức 4x400m nữ vượt qua kỷ lục được thiết lập cách đây tới 24 năm.

Đội chạy tiếp sức 4x400 m nữ của Việt Nam đã phá kỷ lục tồn tại 24 năm của Thái Lan ở SEA Games. Ảnh: Zing

Không chỉ đạt về số lượng, điều đáng mừng là “chất lượng” của những tấm huy chương mà các VĐV Việt Nam mang về đã được nâng lên đáng kể, như đánh giá của ông Nguyễn Trọng Hổ - HLV đội tuyển điền kinh.

Cá nhân Nguyễn Thị Huyền đoạt 3 HCV ở các nội dung 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức, đạt 2 chuẩn Olympic. Huyền phấn khởi cho biết, đó là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tham dự SEA Games lần này, đoàn Thể thao VN gặp rất nhiều khó khăn khi những môn thế mạnh bị cắt giảm, đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với số lượng VĐV đã được tinh giản đến mức tối thiểu. Tổng cộng chưa đến 400 VĐV góp mặt tranh tài ở Singapore, giảm hơn nhiều so với số lượng từ 500 đến 700 VĐV ở những kỳ đại hội trước. Trong khi đó, chủ nhà Singapore hay Thái Lan tham dự với đội ngũ đông đảo hơn 1.000 VĐV, Indonesia hơn 700 VĐV. Hay như đoàn Malaysia dù tinh giản nhưng cũng góp mặt hơn 600 VĐV. Số lượng các môn thi đấu của VĐV Việt Nam tại SEA Games 28 cũng ít hơn những lần trước, với 28/36 môn. Những con số chỉ ra đoàn VN gặp bất lợi lớn trước khi bước vào cuộc chơi. Dù vậy, các VĐV Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn vượt mức chỉ tiêu một cách xuất sắc.

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 28, những kết quả này đến từ chủ trương đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV để hướng tới những đấu trường cao hơn, trong đó tập trung cho 5 môn cơ bản Olympic gồm điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ và cử tạ. Ông Phấn cho biết.

Như vậy, lời khẳng định của nước chủ nhà là tổ chức một kỳ đại hội gần với tinh thần Olympic nhất đã được thể hiện rất tốt. Thể thao Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế ở sân chơi này. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến tham vọng vươn ra biển lớn, chúng ta cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hiểu rõ khoảng cách của thể thao Việt Nam so với trình độ khu vực, châu lục và thế giới. Và để đủ sức cạnh tranh ở các đấu trường có độ cạnh tranh khốc liệt như ASIAD hay tầm cao hơn là Olympic, thể thao Việt Nam cần phải thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa từ các cấp quản lí đến đội ngũ HLV, VĐV. Khó khăn, thách thức là điều chắc chắn, nhưng với tiềm năng và lực lượng hiện có, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm. Vấn đề còn lại chỉ là cách làm…