Từ SEA Games 28 - Định hướng cho tương lai

(VOH) - Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 28 đã chính thức khai màn trên đất Singapore, mở đầu cho hai tuần tranh tài gay cấn, sôi nổi và quyết liệt của làng thể thao Đông Nam Á.

Từ những ngày đầu tháng 6, SEA Games 28 đã phà hơi nóng cùng không khí rộn ràng đến đời sống người dân Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Qua hơn nửa thế kỷ, kỳ Đại hội thể thao mỗi 2 năm diễn ra một lần như trở thành ngày hội thân thuộc và rất được chờ đợi với người dân 11 nước ASEAN.

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc. Ảnh: Quang Liêm

Dù thể thao Đông Nam Á từng được giới truyền thông ví von như ao làng của thể thao châu lục và thế giới, nhưng hiếm có kỳ đại hội nào truyền thông Việt Nam lại đăng kí tác nghiệp đông như ở SEA Games, phục vụ thông tin nóng hổi cho người dân từng giờ, từng phút, như thể tái hiện toàn cảnh SEA Games đến từng nhà, từng người hâm mộ. Và cũng ít có kỳ đại hội nào, người hâm mộ hồi hộp chờ đợi, theo dõi sát sao từng bước chân của các VĐV như ở SEA Games, chứng tỏ bản thân “hội làng” này vẫn có nhiều sức hút và nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi ở đó, từ những ngày đầu thể thao Việt Nam mới hội nhập trở lại đấu trường khu vực, đến lúc vươn lên thành một thế lực tại SEA Games, sân chơi này gắn liền với rất nhiều những cảm xúc, những kỷ niệm mà người hâm mộ Việt Nam không thể quên.

Cũng từ sân chơi này, nhiều tên tuổi lớn của thể thao Việt Nam đã bước ra đấu trường quốc tế, trở thành nhà vô địch thế giới, châu lục. Có thể kể tên như: Nguyễn Thúy Hiền - wushu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Vinh - bắn súng, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng - điền kinh, Cao Ngọc Phương Trinh, Văn Ngọc Tú môn Judo, Phan Thị Hà Thanh TDDC, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trọng Cường môn Taekwondo…

Đại hội năm nay, ban tổ chức SEA Games 28 - chủ nhà Singapore đã khẳng định, sẽ là kỳ đại hội gần với tinh thần Olympic nhất. Ban tổ chức đã bỏ phần lớn các môn thi đấu có đặc thù khu vực, và có đến 24/36 môn thi đấu được tổ chức ở đại hội lần này là môn Olympic, nghĩa là chiếm 2/3. Trong khi những môn còn lại cũng đã có mặt hoặc đang được vận động đưa vào thi đấu Asiad. Chỉ có 4 môn vừa là đặc thù, vừa là môn mà nước chủ nhà đưa vào mang tính chất biểu diễn. Như thế, dù vẫn còn một số tranh cãi ở từng nội dung thi đấu nhưng có thể nói, không còn quá nhiều tính chất “hội làng” ở kỳ SEA Games này. Và đây có thể là kỳ đại hội đóng vai trò bước ngoặt đưa trình độ của thể thao Đông Nam Á về đúng thực chất nhất - đồng thời, chính quá trình thay đổi này là một bước chuyển mình, không riêng thể thao Việt Nam hay chủ nhà Singapore, mà của làng thể thao vùng trũng Đông Nam Á - nhằm tiếp cận với các cuộc tranh tài của thể thao chuyên nghiệp thế giới. 

Điều quan trọng nữa là trong chiến lược phát triển mới của thể thao Việt Nam, định hướng đầu tư trọng điểm sẽ được ưu tiên tập trung cho những đấu trường lớn như Asiad hay Olympic. Những thay đổi của nước chủ nhà SEA Games 28, dù khiến đoàn thể thao Việt Nam cũng như các nước gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là dịp để thể thao Việt Nam chuyển mình theo định hướng mới - vươn cao hơn, xa hơn. Đó cũng là lý do mà người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng ở kỳ Đại hội trên đất Singapore lần này. 

So với các kỳ SEA Games trước, năm nay, lực lượng VĐV Việt Nam tham dự được tinh giản đáng kể. Nhiều nội dung thế mạnh không được tổ chức, nhưng lãnh đạo đoàn thể thao VN vẫn đăng kí chỉ tiêu HCV xấp xỉ so với kỳ SEA Games 27, thể hiện sự tự tin vào khả năng lập thành tích cao ở các môn tham dự.

Phần lớn các môn Việt Nam tham gia đều đặt chỉ tiêu đoạt HCV, trong đó có những môn cơ bản như bơi lội, điền kinh đều đăng ký số lượng HCV cao hơn nhiều so với những kỳ đại hội trước đó. Hơn nữa, ngành thể thao xác định, đại hội thể thao khu vực lần này sẽ là bệ phóng quan trọng trong chiến lược tìm kiếm khoảng 20 suất chính thức tham dự Olympic 2016. Vì thế, các VĐV Việt Nam không chỉ phấn đấu đạt chỉ tiêu HCV, mà quan trọng hơn chính là thành tích của từng vận động viên phải vượt xa tầm khu vực, mới có thể mơ về đấu trường Olympic.

Như vậy, có thể thấy, sân chơi này được xem như bệ phóng để Thể thao Việt Nam chuyển mình trong tương lai. Đây cũng là dịp thể thao VN trình làng một thế hệ vận động viên mới tài năng vào độ chín, đang được đầu tư đặc biệt. Những gương mặt như Ánh Viên, Quí Phước, Quang Nhật môn bơi lội, Nguyễn Tiến Nhật  môn đấu kiếm, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch môn điền kinh, Phan Thị Hà Thanh môn TDDC,… đều là những kỳ vọng hàng đầu để thể thao Việt Nam vươn tầm.

Tính từ SEA Games 22 năm 2003, thời điểm mà chủ nhà Việt Nam vươn lên ngôi số 1 toàn đoàn và chính thức trở thành một thế lực ở SEA Games, đến nay, qua nhiều kỳ SEA Games liên tiếp, đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 đoàn dẫn đầu đại hội. SEA Games lần này trên đất Singapore có thể sẽ là kỳ SEA Games khó khăn nhất của thể thao Việt Nam từ sau lần đăng cai 12 năm trước. Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam duy trì được vị trí nhóm dẫn đầu sẽ là sự khẳng định lớn nhất với người hâm mộ, rằng: thể thao nước nhà đang sẵn sàng cho những đấu trường đỉnh cao.