Bạo lực học đường - trách nhiệm của ai?

(VOH) - Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, nhiều đoạn video clip ghi hình cảnh loạn đả của các nhóm nữ sinh Trung học ở một số trường THPT phía Bắc được tung lên mạng gây sửng sốt dư luận.

Trên phim, các nữ sinh tuổi trăng tròn bỗng trở nên hung hãn và côn đồ quá mức tưởng tượng. Bằng lối đánh hội đồng đạp và nhảy lên người, dùng giày cao gót, hung khí đánh vào mặt và bất cứ chỗ nào trên cơ thể, dùng tay túm tóc đối thủ giật mạnh, vừa đánh vừa la hét và chửi bới nghe rợn cả người. Thật khó có thể tin được rằng đó là những cử chỉ và hành động của những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Riêng trong hình ảnh ẩu đả mới nhất đưa cảnh đánh nhau được xem là của 2 nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông Quận Hai Bà Trưng Hà nội, nhân vật chính đã hành hung bạn mình theo cách giang hồ và tàn nhẫn quá mức. Điều đáng nói là có một nhóm nam nữ thản nhiên ngồi xem và có người còn nhảy vào đánh phụ. Những em khác dùng máy điện thoại tập trung quay phim và đưa lên mạng. Không có ai can thiệp, hoàn toàn thờ ơ- kể cả người lớn, bởi đoạn phim cho thấy cuộc ẩu đả diễn ra ngay bên đường, trên vườn hoa Pasteur…

Cần nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên có chuyện học sinh THPT đánh nhau mà từ mấy năm nay cả nước thường xuyên xảy ra các vụ băng nhóm học sinh trung học đánh nhau gây thương tích và có không ít vụ chết người. Và giờ là tình trạng nữ sinh kết thành nhóm hành hung những nhóm khác do không ưa nhau lời ăn tiếng nói và thậm chí là cả việc bị cho là nhìn đểu. Nguyên nhân của sự ẩu đả nghe ra thật vu vơ và khó mà chấp nhận được. Đâu rồi sự ngoan ngoãn và dịu dàng của các nữ sinh tuổi mới lớn và vì sao các em lại hành xử mang tính giang hồ như vậy thay vì phải là tình nhân ái và yêu thương lẫn nhau? Sau khi những vụ việc như vậy liên tục xảy ra và vẫn tiếp diễn, dư luận cho rằng ngành giáo dục đã quá nặng về dạy chữ mà nhẹ về dạy người; và rằng phải tăng cường sự phối hợp giữa ba môi trường Nhà trường gia đình và xã hội vân vân và vân vân. Thiết nghĩ nhận xét trên có phần đúng và nặng về phê phán. Song trước thực trạng đáng quan ngại này chúng ta cũng cần bình tâm mà suy ngẫm: vì sao con em chúng ta lại nảy sinh lối hành xử thô bạo và hung hãn đến vậy? Nguyên nhân dẫn đến việc này thì có nhiều và trách nhiệm cũng thuộc nhiều phía, thế nhưng có không ít ý kiến băn khoăn là phải chăng khi kinh tế thị trường mở ra, do tập trung phát triển quá nóng về kinh tế mà chúng ta có phần sao nhãng sự nghiệp giáo dục- đáng lẽ ra phải cùng được quan tâm và lo lắng thì lại chỉ có ngành chủ quản có trách nhiệm? Việc giáo dục thế hệ trẻ đã thiết thực và hiệu quả hay chưa?. Về phần gia đình rõ ràng đã có sự buông lỏng của cha mẹ. Chỉ chăm chút và chiều chuộng con về vật chất và để mặc con cái với chủ nghĩa cá nhân và tự do cá nhân được đề cao. Nên nhớ là hiện nay, chỉ với chiếc máy tính được nối mạng, con em chúng ta đã bước ra thế giới bên ngoài 1 cách quá tự do mà hầu như không gặp phải sự cản ngăn đáng kể nào. Các em với một tầm nhìn và thói quen còn quá bản năng lại hạn chế về tính tự chủ và bản lĩnh. Vậy là cứ cập nhật bao nhiêu thông tin của Thế giới bên ngoài vào cho mình. Trong đó phần rác là không ít. Đó là lối sống buông thả, ngại học hành và lao động, là chỉ biết bản thân mình, là thần tượng vào những gì đó xa vời, vu vơ và thậm chí là bị tiêm nhiễm bởi bạo lực và giết chóc. Phải nói thêm là những nhận định trên đây đã được rút ra từ kinh nghiệm đắt giá của nhiều quốc gia do buông lỏng quản lý học sinh sinh viên và lơi lỏng việc giáo dục thế hệ trẻ. Nếu phạm pháp, các em có thể phải trả gía trước pháp luật. Tuy nhiên để con em phạm luật và sống xa rời mục đích và lý tưởng, thiết nghĩ đó còn là phần trách nhiệm của người lớn và của toàn xã hội./.

Việt Anh