Bình luận: Bóng đá nước nhà và những âu lo thường trực

(VOH) - Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2013 chỉ còn 1 vòng đấu nữa vào cuối tuần này là hạ màn, kết thúc trong sự nguội lạnh khi mọi việc đã ngã ngũ - Hà Nội T&T đăng quang chức vô địch sớm trong khi không có đội nào phải xuống hạng. Sau mấy tháng trì hoãn, V-League 2013 khởi đầu với 12 đội, ít hơn những mùa trước, nghĩa là đi không đông, về cũng không đủ, khi chỉ còn 11 đội do Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải. Mùa bóng 2013 khép lại trong buồn bã và đầy những lo âu cho bóng đá nước nhà.

Chuyện đội bóng Xi măng Xuân Thành Sài Gòn tự ý bỏ ngang V-League đến rất bất ngờ và lắng dịu cũng rất nhanh, chỉ trong vòng non một tuần lễ. Lấy lý do không đồng tình với án phạt trừ điểm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và cho rằng VFF cùng Ban tổ chức giải không mang lại sân chơi công bằng, lãnh đạo đội bóng này quyết định bỏ cuộc chơi, giải tán Câu lạc bộ, bất chấp luật định và bất chấp cảm xúc của người hâm mộ. Dù rằng đã không ít lần Câu lạc bộ này từng tuyên bố “đội bóng là tài sản của người hâm mộ TPHCM”. Lẽ dĩ nhiên việc bỏ giải theo kiểu giận lẫy trẻ con và nghiệp dư như thế chắc chắn không nhận được sự đồng tình. Có điều qua sự kiện này, sẽ không quá lời khi cho rằng, nền bóng đá quốc gia đã và đang tiếp tục lung lay từ gốc. Không lung lay sao được khi sân chơi cao nhất của bóng đá nước nhà rõ ràng không được tôn trọng. Đội bóng không tôn trọng ban tổ chức, người hâm mộ và chính ban tổ chức cũng không dành chút tôn trọng nào theo chiều ngược lại.

Hơn 10 năm khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, cùng với bao nhiêu bất cập của nền bóng đá quốc nội như: vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, đào tạo trẻ yếu kém, tổ chức và điều hành theo kiểu nghiệp dư… được nói đi nói lại quá nhiều lần, song hầu như không thay đổi được gì. Dưới nền tảng thiếu vững chắc đó, khi cơn bão mang tên “khủng hoảng kinh tế” càn quét, nền bóng đá cũng lao đao, chới với là điều dễ hiểu. Các nhà tổ chức đã cố gắng chèo chống để giải đấu vẫn tiến hành, và nếu không có sự kiện Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, chắc hẳn bản báo cáo tổng kết cuối mùa của Ban tổ chức giải và VFF vẫn sẽ trân trọng cụm từ “thành công tốt đẹp”. Khách quan mà nói, sự kiện Xuân Thành Sài Gòn chỉ là “giọt nước tràn ly” trong một sân chơi có quá nhiều vấn đề tồn tại như thể căn bệnh nan y chưa bao giờ được điều trị đúng thuốc, đúng bệnh. Nếu có chỉ là bốc thuốc qua loa để giảm đau hay “đánh lạc hướng”, khi trở bệnh thì càng lúc càng nặng hơn.

Bóng đá Việt Nam được xem như cuộc chơi của các đại gia lắm tiền nhiều của, bởi những người đầu tư cho bóng đá bằng tình yêu và tâm huyết chỉ là con số nhỏ nhoi. Cách đây vài năm, rộ lên phong trào nhiều ông bầu nhảy vào cuộc chơi, mạnh miệng tuyên bố yêu bóng đá và đổ tiền làm bóng đá vì người hâm mộ, không vụ lợi,… Tuy nhiên, ai cũng hiểu đằng sau việc ôm đội bóng chính là những dự án xin địa phương cấp đất, thậm chí gắn thêm cái mác xây học viện bóng đá trẻ để thể hiện tâm huyết. Khi những dự án đó không được duyệt và nhất là kinh tế khó khăn, những ông bầu này bắt đầu lảng ra, tìm cách bỏ đội bóng không hề thương tiếc bằng những lý do không đâu.

Mới năm ngoái thôi, Câu lạc bộ Navibank Sài Gòn từng được xem như đại gia mới nổi trong làng bóng đã bất ngờ giải thể. Nay đến lượt Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Mà thật ra, kết cục này không quá ngạc nhiên nếu xâu chuỗi lại với sự kiện Xi măng Xuân Thành Sài Gòn từng ngỏ ý tặng đội bóng cho TPHCM, khi ý đồ xin cấp đất không thành! Sau Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn sẽ là những đội nào, khi ở cố đô Hoa Lư, ông bầu Hoàng Mạnh Trường không ít hơn 1 lần muốn giải tán đội bóng vì quá nản, ở Thanh Hóa ông bầu Nguyễn Văn Đệ cũng từng tuyên bố bỏ giải do không phục cách xử lư của Ban tổ chức, c̣n ở Kiên Giang, đội bóng mới lên hạng mùa rồi phải “ăn đong từng bữa”, sau mỗi trận đấu lãnh đạo đội bóng chạy vạy khắp nơi kiếm tiền trả lương trả thưởng cho cầu thủ.


Không ai còn tha thiết đá. Ảnh: thethaohcm.com.vn

Mỗi Câu lạc bộ mang danh chuyên nghiệp đều phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí, từ khán giả, sân bãi đến đào tạo trẻ…cùng bao thứ khác nữa, và quan trọng là phải kiếm được tiền. Song thực tế, hầu như không có Câu lạc bộ nào ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đó, nếu không muốn nói là từ thiếu đến thiếu. Những đội bóng thăng hạng mùa này như Quảng Nam, Than Quảng Ninh và An Giang cũng không được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới nào, ngoài sự non nớt cùng các mối lo thường trực, thiếu tiền. Họ được lên hạng mùa này bởi đơn giảnquá rộng cửa. Và sự kiện giọt nước tràn ly Xuân Thành Sài Gòn một lần nữa chứng tỏ, mọi thứ đã vuột khỏi tầm kiểm soát của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF cũng như VFF.

Giải bóng đá cao nhất quốc gia mang danh chuyên nghiệp mà như vậy, thử hỏi làm sao không âu lo cho được. Chuyện cải tổ bóng đá Việt Nam cũng đã được nói đến rất nhiều, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Đơn giản, trong nhiều cái khó, khó nhất vẫn là không thấy được sự dũng cảm, cầu thị và thay đổi tư duy của những nhà quản lý.