Bình luận: Cần sự minh bạch và hiệu quả trong đầu tư

(VOH) - Ngày 14/4 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ thứ 27 để nghe Bộ GD-ĐT trình bày dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Có thể nói đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong chiến lược đổi mới giáo dục nước nhà mà trong nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã từng đề cập. Tuy nhiên, những gì mà vị Thứ trưởng Bộ này - ông Nguyễn Vinh Hiển  thông tin tại cuộc họp đã thực sự gây thất vọng cho các thành viên của Ủy Ban thường vụ Quốc hội.
Cần hơn 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Ảnh: Thanh niên)

Về lý do cần phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ông Hiển nêu quan điểm: “… Chương trình, sách giáo khoa hiện tại đang bộc lộ những bất cập và yếu kém và một số môn còn chưa bảo đảm tính hiện đại, cơ bản và thiết thực, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng dạy chữ và nhẹ dạy người…; Nội dung chương trình sách giáo khoa bị cắt khúc, không thật đảm bảo tính liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình sách giáo khoa, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học bậc phổ thông, lối dạy truyền thụ một chiều và phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu…”. Và cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển: “… Xu thế chung của chương trình giáo dục hiện đại là tích hợp và phân hóa cao, luôn yêu cầu vận dụng sáng tạo, giúp học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt, hạn chế số lượng các môn học bắt buộc và ưu tiên cho tự chọn nội dung học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích của cá nhân người học…”

Công bằng mà nói thì từ nhiều năm qua, dư luận đã lo ngại và nhìn thấy những bất cập và rối rắm của nền giáo dục nước nhà, không riêng gì chương trình, sách giáo khoa mà cả quy trình dạy và học, rồi trong thi cử… Vậy nên việc Bộ GD-ĐT chủ động đề xuất dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đúng hướng và phù hợp với xu thế phát triển và tâm lý chung của toàn xã hội. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm trong câu chuyện này là tính khả thi và chi phí quá lớn cho việc triển khai thực hiện đề án.

Muốn thực hiện thành công thì việc trước tiên cần lưu ý là nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên hòng đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Năm 2016 đã phải bắt đầu tiến hành, vậy nếu được thông qua thì việc tập huấn cho hàng triệu giáo viên sẽ phải triển khai ra sao và trên nền cơ sở vật chất như thế nào?

Câu trả lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại mang tính chung chung, đã không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội. Không ít ý kiến đại biểu nhìn nhận: Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa như thế này là “thiếu khả thi và không giúp nhận diện được hình hài nền giáo dục Việt Nam trong mười năm tới..”. Và ngay trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ, được tổ chức vào ngày hôm sau 15/4, khi các nhà báo nêu câu hỏi về tính hiệu quả của đề án sau 10 năm thực hiện sẽ như thế nào, với nguồn kinh phí khổng lồ lên đến 34.275 tỷ đồng? Ông Đỗ Ngọc Thống - Thường trực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 cho rằng “… 34.275 tỷ đồng chỉ là con số khái toán, tạm hình dung và sẽ triển khai theo 7 hoặc 8 đầu việc…”.

Đáng nói là số kinh phí dự chi này chỉ bao gồm thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cả chi phí tuyên truyền. Chưa bao gồm tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu. Nghĩa là nhiều khả năng trong quá trình thực hiện, sẽ có những phát sinh khác nữa về tài chính… Bất ngờ hơn, ông Thống còn nhận định “Tôi xin nói 2 năm nữa xã hội này thay đổi như thế nào chúng tôi còn khó hình dung nữa là đề án này kết thúc vào 10 năm sau thì sự biến động sẽ rất lớn.”

Vậy là đã rõ, dù là cơ quan tham mưu cho Quốc hội và trình lên đề án mang tính chiến lược về tương lai phát triển của nền giáo dục nước nhà, vậy nhưng Bộ GD-ĐT lại đưa ra những luận cứ không mấy thuyết phục và thậm chí là còn mơ hồ như vậy, e rằng khó mà có thể tạo dựng niềm tin trong cộng đồng xã hội.

Hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách - là tiền đóng góp của dân, không phải để đặt cược cho một thử nghiệm để rồi không biết kết cục sẽ như thế nào? Còn nhớ là trên thực tế, trong nhiều năm qua, thực hiện việc đổi mới giáo dục, không ít địa phương và các trường đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị quy mô lớn và mua sắm xong thì lại trùm mền để đó. Lãng phí là không hề nhỏ.

Nay đối diện với yêu cầu phát triển đi lên của ngành giáo dục quốc gia, một khi triển khai đề án lớn như vậy, thiết nghĩ rất cần sự cân nhắc mang tính định lượng, định tính lâu dài, bền vững. Đề án đó cần phải có sự minh bạch, rõ ràng và nhất thiết là phải nhìn thấy được hiệu quả để xây dựng niềm tin cho nhân dân. Đề án sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây, vậy nên từ sự góp ý thẳng thắn và tâm huyết của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ GD-ĐT cần phải bổ sung đầy đủ những đóng góp đó.