Bình luận: Công trình Hầm Thủ Thiêm - Niềm tự hào của thành phố

(VOH) - Đúng 13h ngày 7/3/20 10, sau khi vượt qua quãng đường sông dài 22 km, đốt hầm đầu tiên của công trình hầm Thủ Thiêm đã về tới đúng vị trí đã định trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân thành phố và sự quan tâm của cả trăm nhà báo trong cả nước.
 

Độ sâu của hầm dìm phía ngoài. Ảnh chụp lúc 16g50 - Ảnh: TTO

Đây là công trình hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Việc lai dắt đốt hầm đầu tiên về đúng vị trí an toàn là kết quả bước đầu và thành công đầu tiên làm tiền đề thuận lợi cho việc hoàn thành nốt các công đoạn tiếp theo của công trình hầm Thủ Thiêm, niềm tự hào của người dân thành phố và của cả nước.

Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn thuộc dự án Đại lộ Đông Tây có chiều dài 1.490m gồm 3 đoạn: phần hầm dẫn phía bờ quận 1 dài 585m, phần hầm dẫn phía bờ Thủ Thiêm quận 2 dài 535m và 370m hầm dìm dưới đáy sông Sài Gòn. Phần hầm dìm dưới đáy sông gồm 6 làn xe là công đoạn quan trọng nhất của công trình này. Mỗi đốt hầm dài 96m, cao 9m, rộng 33,3m nặng 27.000 tấn. Mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km/h.

Đây là công trình hầm ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á, ngoài sự cố gắng và phấn đấu liên tục, vượt qua nhiều khó khăn và giải quyết khắc phục một số sự cố kỹ thuật phát sinh đạt yêu cầu kỹ thuật thì công tác chuẩn bị cho tiến trình lai dắt đốt hầm đầu tiên rất thận trọng và với tinh thần trách nhiệm cao vì nhân dân thành phố, vì nhân dân cả nước. Do khởi đầu từ nơi đúc hầm ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Thành phố Hồ Chí Minh phải qua những đoạn sông dài, có nhiều khúc cong và ngã ba, lòng sông hẹp, nước chảy xiết, nên cả nhà quản lý, điều hành, thi công đã phải chọn ngày giờ sao có lợi nhất cho việc bảo đảm an toàn cho việc đốt hầm nặng hàng chục ngàn tấn về đích an toàn và sau đó đánh dìm đúng vị trí đã định. Hơn 20 cơ quan, đơn vị và ban ngành đã tập trung cho việc thực hiện. Và dự báo cả những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để từ đó có các phương án xử lý kịp thời. Và cả một quá trình phấn đấu 5 năm qua và cố gắng hết sức mình của tập thể công nhân, kỹ sư, nhà tư vấn, giám sát và hơn 20 cơ quan, đơn vị, ban ngành đã đem về niềm vui trọn vẹn vào lúc 13h ngày 7/3/2010, thời khắc lịch sử của giao thông thành phố! Sau khi đốt hầm đầu tiên lai dắt và đánh dìm thành công thì việc lai dắt tiếp 3 đốt hầm còn lại và đánh dìm, thì công trình hầm Thủ Thiêm dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

Công trình hầm ngầm Thủ Thiêm trong dự án Đại lộ Đông Tây khi đưa vào khai thác sử dụng góp phần cải tạo và nối liền hệ thống mạng lưới giao thông các vành đai xung quanh thành phố, góp phần giải quyết ách tắc giao thông đang là vấn nạn và bức xúc của người dân. Cùng với các công trình Cầu Thủ Thiêm, Cầu Phú Mỹ, đường xuyên Á, cầu Nguyễn Tri Phương, Cầu Chà Và, Cầu Nhị Thiên Đường... đã đưa vào sử dụng làm cho mạng lưới giao thông đang từng bước hoàn thiện. Các công trình này là sự chăm lo đến phát triển, xây dựng kinh tế, xã hội của lãnh đạo thành phố đối với một trung tâm kinh tế lớn và đông dân nhất nước. Đó cũng là một trong những dấu ấn để kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng thành phố, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Tuy vậy, người dân và lãnh đạo thành phố cũng còn nhiều trăn trở lo toan. Nhiều dự án, công trình vẫn còn kéo dài và thiếu sự đồng bộ đã làm giảm tính hiệu quả. Như công trình cầu Hoàng Hoa Thám nối quận Bình Thạnh với quận 1 qua sông Thị Nghè dài 100m mà làm 10 năm không xong và dự án khởi đầu 16 tỷ thì nay lên 163 tỉ đồng. Cầu Gò Dưa trên đường xuyên Á cũng bị kéo dài 10 năm nay vì đường dẫn lên cầu chưa làm xong do vướng giải tỏa đền bù nền cầu vẫn nằm chờ đường...

Với những công trình này, nếu có sự quan tâm và xử lý thỏa đáng, phù hợp các vấn đề phát sinh thì chắc chắn các công trình đó sẽ đem lại hiệu quả cao như mong muốn. Làm được các điều này sẽ góp thêm cho bức tranh kinh tế xã hội Thành phố đẹp đẽ hơn./.

Nguyễn Khánh