Bình luận: Cúm gia cầm - Không được chủ quan và khinh suất

(VOH) - Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm vào một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý vào đầu thập niên 90, đến năm 2003, virus này gây ra ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc và hiện nay cúm gia cầm đã được phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Ngay tại thời điểm phát hiện ra virus cúm gia cầm, người ta đã lo lắng về sự bùng phát của dịch bệnh và giờ đây sự lo lắng ấy đã hiện hữu với mức độ biến thể phức tạp và sự bùng phát chóng mặt đáng lo ngại.
Gia cầm sống vẫn được bán tràn lan ở nhiều chợ (Ảnh: Kinh tế nông thôn)

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Trung Quốc, mà cụ thể là các tỉnh sát biên giới phía Bắc nước ta, đang xảy ra dịch cúm A/H7N9 - một trong những biến thể nguy hiểm của cúm gia cầm, với tốc độ lây lan khủng khiếp và tỷ lệ tử vong là 28%. Riêng trong gần hai tháng đầu năm 2014, nước này đã ghi nhận hơn 150 trường hợp mắc mới, trong đó có gần 20 trường hợp tử vong…

Mặc dù tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người và gia cầm, nhưng trong tháng 01/2014 đã có 02 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp… Bộ Y tế ngay lập tức đã cảnh báo: virus cúm A/H5N1 có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, lây từ gia cầm sang cả người. Tại thời điểm này, tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% trong số ca bệnh được phát hiện, mặc dù bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus.

Rõ ràng là chúng ta cần phải có những động thái tích cực và kiên quyết để ngăn ngừa nguy cơ tái phát dịch cúm A/H5N1 ở trong nước, đồng thời ngăn ngừa lây nhiễm cúm A/H7N9 và nhiều biến thể nguy hiểm khác có nguy cơ lây lan từ bên ngoài vào.

Mặc dù dịch cúm gia cầm đã và đang bùng phát mạnh trên cả nước, Thủ tướng chính phủ cũng đã có công điện khẩn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các địa phương phải nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, vậy nhưng, ở nhiều chợ dân sinh, dễ dàng thấy hàng ngày vẫn có một lượng lớn gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch được mua bán, giết mổ tràn lan. Mặc cho cơ quan chức năng ráo riết kêu gọi phòng chống dịch, người tiêu dùng vẫn cứ thờ ơ, chủ quan khi mua bán, vận chuyển gia cầm, thực khách vẫn vô tư ăn tiết canh, người chăn nuôi thì lưỡng lự trong việc tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh do tiếc của. Tại một số địa phương người dân còn vứt cả bao tải gia cầm nhiễm bệnh xuống sông, kênh rạch…

Đã đến lúc phải có thái độ dứt khoát và kiên quyết với chế tài mạnh cho những hành vi xem thường sức khỏe của cộng đồng. Người chăn nuôi cần chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn gia cầm; Cơ quan chức năng phải lập ngay các chốt kiểm dịch tại những đầu mối giao thông tiếp giáp giữa các tỉnh và các chợ đầu mối; Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thú y với các lực lượng liên ngành như quản lý thị trường và công an; Đồng thời, thông tin đầy đủ và thường xuyên cho người dân biết về tình hình dịch bệnh; Các địa phương không được giấu dịch; Cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tính trách nhiệm, tự giác của người dân...

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 cùng với những biến thể đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lan nhanh tại nhiều tỉnh thành và hậu quả là khôn lường. Thiết nghĩ trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp các ngành là chung tay phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh; Không được chủ quan và khinh suất, bởi đây cũng chính là cách chúng ta tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.