Bình luận: “Hiện đại hóa để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”

(VOH) - Ngày 31/12/2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Bộ quốc Phòng Việt Nam đã công bố sách trắng về quốc phòng năm 2009

Việc làm nêu trên của phía Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này”.

Trước đó, Bộ quốc Phòng Việt Nam đã công bố sách trắng về quốc phòng năm 2009 nhằm cung cấp thông tin chủ yếu về các vấn đề cơ bản của quốc phòng Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Và như một hoạt động bình thường của bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam cũng đã nâng cấp trang bị hàng hải để có thể đảm đương vai trò bảo vệ vững chắc những thành quả mà dân tộc Việt Nam đã tốn không ít máu xương để bảo vệ và xây dựng suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Trung tướng Đồng sĩ Nguyên, nguyên tư lệnh bộ đội Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ trong những ngày đầu năm 2010 đã bày tỏ những suy nghĩ về tình hình đất nước. Ông nói: “Suy nghĩ của tôi là làm sao giữ được đất nước một cách vững chắc. Một trong những điều quan trọng là phải làm thế nào để quân đội ta ngày càng mạnh lên, xứng đáng là quân đội của nhân dân, một quân đội vì nhân dân và một quân đội không cho phép bất cứ ai đánh bại…”

Suy nghĩ của vị trung tướng từng là tư lệnh đoàn 559 cũng là suy nghĩ của dân tộc Việt Nam. Hơn bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới, Việt Nam có đầy những kinh nghiệm xương máu trong suốt chiều dài lịch sử. Dân tộc Việt Nam thấm thía sâu sắc những đau khổ, mất mát và đau thương do chiến tranh đem lại. Và vì đã từng chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh nên hơn ai hết, dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và không bao giờ muốn có chiến tranh.

Tuy nhiên trước những động thái gần đây của một số nước đang đẩy mạnh việc hiện đại hóa quân đội, đe dọa đến sự bình yên và ổn định của khu vực, việc một số nước tăng cường tiềm lực quốc phòng ngang nhiên làm điều họ mà họ cho là “thi hành quyền chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoặc thúc đẩy du lịch trên đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt nam đã xâm phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cơ hội kiếm sống của hàng triệu người dân ven biển. Một số tàu Trung quốc có trang bị vũ khí hiện đại có hành vi đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung quốc, cướp phương tiện, giữ tàu, bắt ngư dân đòi tiền chuộc làm tình hình thêm căng thẳng.

Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về tầm nguy hiểm của việc này và chủ động, tích cực kiên quyết trong việc bảo đảm quyền chủ quyền của đất nước đối với vùng đặc quyền kinh tế này. Trước những động thái đó, Việt Nam chẳng còn chọn lựa nào khác là phải từng bước nâng cấp các phương tiện hàng hải để bảo đảm tính mạng, tài sản và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển, bảo vệ hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Phương châm của Việt Nam là hết sức bình tĩnh, tìm mọi cách xây dựng hòa bình, tìm cách giải quyết các vấn đề bằng con đường đàm phán thương lượng…. cùng bàn bạc để làm thế nào hợp tác, khai thác biển Đông

Trong xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển thì bất kỳ một hành động đe dọa, xâm lược nào cũng tạo nguy cơ đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia của các nước xung quanh. Việc Việt Nam nâng cấp hiện đại hóa trang bị hàng hải không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải là thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào, đó chỉ là một hoạt động bình thường để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, bảo đảm để thực hiện quyền tài phán của mình trên vùng đặc quyền kinh tế đã được quốc tế công nhận theo công ước biển năm 1982 của Liên Hiệp quốc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Trong cương vị là chủ tịch ASEAN từ đầu năm 2010, việc làm đó của Việt Nam cũng góp phần bảo vệ tiếng nói công chính và thành quả đấu tranh kiên trì không mệt mỏi của các quốc gia ASEAN và các nước trong khu vực cùng sử dụng con đường hàng hải qua biển Đông trong hàng chục thế kỷ qua để đảm bảo công ước biển 1982 được thực hiện đầy đủ và công bằng cho mọi quốc gia, dân tộc có biển và không có biển, trong đó Trung quốc là một bên đã đặt bút ký kết.

vk