Bình luận: Lời giải nào cho bài toán Bauxite Tây nguyên?

(VOH) - Bước vào tuần lễ thứ 2 của kỳ họp Quốc hội lần này, nghị trường và dư luận cùng nóng lên bởi chuyện làm tiếp hay tạm dừng dự án khai thác Bauxite Tây nguyên. Nguyên nhân chính được xem là bắt nguồn từ báo cáo thẩm định của Bộ Công Thương và ý kiến của các chuyên gia rằng nếu tiếp tục triển khai dự án thì nguy cơ thua lỗ là khó tránh khỏi. Hơn nữa sự kiện bể hồ chứa bùn đỏ trong một mỏ khai thác nhôm tương tự ở Hungary hồi đầu tháng 10 đã làm tăng thêm quan ngại.


Khoảng 1,1 triệu m³ nước thải bùn đỏ ở Hungary từ hồ bị vỡ đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40 km² và một số con sông, trong đó có sông Danube.

Thực ra, câu chuyện về dự án Bauxite Tây nguyên đã được bàn thảo từ năm 2007 với sự tham gia đóng góp ý kiến của giới khoa học, các chuyên gia và cả lời cảnh báo từ các nước từng khai thác loại quặng này. Tuy nhiên, vì sự phát triển hiệu quả và bền vững, vì tương lai xây dựng một Tây nguyên giàu đẹp, ngày 24/4/2009 Bộ Chính trị đã có kết luận về qui hoạch phân vùngkhai thác chế biến và sử dụng Bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025 với tinh thần việc qui hoạch, khai thác, chế biến phải dựa trên hiệu quả tổng thể, gồm hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, văn hóa…

Vậy là dự án được triển khai với các công trình khai thác và chế biến Bauxite qui mô lớn theo công nghệ của Trung Quốc tại 2 địa điểm là Nhân cơ- Đắc nông và Tân Rai Lâm đồng. Cần nói thêm là dự trữ của Bauxite Tây nguyên nói trên- theo khảo sát vào khoảng 8 tỷ tấn và nếu tính theo bài tính của Tập đoàn Than khoáng sản VN thì với giá 370 USD/tấn dự án sẽ mang lại lợi nhuận cao. Song trên thực tế lại không hẳn như vậy. Việc đầu tư cho 2 nhà máy sản xuất alumin tại Nhân cơ và Tân rai là khá cao. Chỉ riêng Nhân cơ- nay đã xây lắp về cơ bản- đã ngốn khoản kinh phí là 428 triệu đô la. Cộng với các chi phí làm đường giao thông, đặc biệt là riêng phí vận chuyển sản phẩm từ các mỏ tại Đắc nông và Lâm đồng xuống cảng Kê gà ở Bình thuận thì mỗi năm đã lên tới gần 70 triệu đô la.

Theo các chuyên gia thì hiện nay, giá nhôm của Thế giới không cao-do vậy nhôm sản xuất theo công nghệ chưa phải là hiện đại thì giá thành không thể quá 275 USD/ tấn. Như vậy làm sao có lời? Cũng theo Hội đồng thẩm định dự án thì giá bán alumin phải từ 333,7 đô trở lên mới nói đến hiệu quả kinh tế. Mà đã không chắc về lợi nhuận thì việc đầu tư kể như vô ích! Thậm chí lại còn lỗ nặng.

Tuy nhiên, điều lo ngại không chỉ đến từ giá thành sản phẩm alumin mà còn là sự an toàn của hồ chứa bùn đỏ- chất thải từ quá trình sản xuất quặng Bauxite. Loại bùn này nếu tràn ra ngoài môi trường hoặc thấm vào nguồn nước sẽ vô cùng nguy hiểm bởi sự độc hại của nó. Dù đại diện của Tập đoàn Than khoáng sản VN đã nhiều lần khẳng định các giải pháp xử lý bùn trong các hồ chứa là hiện đại và an toàn do tính toán các lớp ngăn cách và bao bọc chất thải này, Hơn nữa, hồ chứa bùn đỏ lại nằm trong thung lũng có đồi núi bao quanh. Khả năng bể hồ và thất thoát bùn là rất ít.

Trong phản bịên của mình, giới chuyên môn cho rằng, lo ngại khả năng tràn bùn đỏ hoặc bể hồ chứa bùn là có thực, bởi mặc dù được che chắn và bao bọc bởi núi đất xung quanh nhưng không ai dám chắc là núi đất không sập do tốc độ tàn phá rừng như hiện nay. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là thảm hoạ bởi nguồn nước cho vùng Đông nam bộ và TP HCM sẽ bị ô nhiễm nặng nề. Bài học tràn bùn đỏ của Hungary không biết bao giờ mới khắc phục xong hậu quả đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Hơn nữa việc khai thác Bauxite bắt buộc phải phá bỏ hệ sinh thái rộng lớn ở Tây nguyên để làm hồ chứa bùn cũng cần phải được cân nhắc. Nói tóm lại bài toán Bauxite Tây nguyên vẫn chưa có lời giải thoả đáng. Nên dừng dự án hay vẫn tiếp tục triển khai? Dư luận rất mong vấn đề này một lần nữa sẽ được bàn thảo nghiêm túc và kỹ lưỡng tại diễn đàn Quốc hội để các công trình kinh tế tầm vóc Quốc gia vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng vừa phải dựa trên cơ sở phát triển hài hoà và bền vững./.

Việt Anh