Bình luận: Phát triển cảng, nên tập trung vào chiều sâu

(VOH) - Một trong những vấn đề hiện đang được dư luận quan tâm đó là tại một số địa phương, việc quy hoạch xây dựng hệ thống cảng đã và đang bị “khủng hoảng thừa”, trong khi đó việc đầu tư đang được tiến hành nhưng gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, ở khu vực miền Trung gần như tỉnh nào cũng có cầu cảng kể cả cảng đã hoạt động, đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới.

Tuy nhiên, công suất hoạt động của các công trình bạc tỷ này là chưa xứng tầm. Ngay cả các thành phố lớn của miền Trung như Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn. Cảng Đà Nẵng - cửa ngõ ra vào của khu vực miền Trung, Cảng Sông Hàn và cảng Tiên Sa có công suất thiết kế khoảng 5 triệu tấn hàng/năm nhưng hiếm khi nào cảng hoạt động đạt tới công suất ấy, mà chỉ đạt khoảng 2/3 công suất thiết kế vì hàng hóa qua đây không nhiều như tính toán ban đầu. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có tổng cộng 17 cảng đang hoạt động, nếu tính luôn số dự án cảng đang hoạch định thì con số này sẽ hơn 50 trong khi số lượng hàng hóa chỉ khoảng 13-14 triệu tấn/năm, thua xa so với dự báo khoảng 53 triệu tấn hàng trong năm 2010. Thậm chí một số cảng hiện nay chỉ hoạt động khoảng 20% công suất. Vậy tại sao cầu cảng vẫn tiếp tục mọc lên cả trong Nam, ngoài Bắc? Phải chăng các cơ quan làm quy hoạch của chúng ta đánh giá, dự báo chưa đúng với thực tế?

Không chỉ có các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Nam Trung bộ, các tỉnh Miền Tây cũng đang ráo riết xây dựng cầu cảng trên địa phương mình. Long An và Tiền Giang muốn phát triển cảng dựa vào kế hoạch nạo vét sông Soài Rạp. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, khi thay đổi điều kiện thiên nhiên thì tác hại không thể lường hết được. Nếu nạo vét sông Soài Rạp, lượng nước qua sông Lòng Tàu giảm đi, tất yếu sẽ bị cạn. Như vậy tăng cơ hội cho luồng sông Soài Rạp sẽ giảm cơ hội với hệ thống cảng nằm trên sông Đồng Nai như Nhà Bè, VICT, Sài Gòn, Tân Thuận, Cát Lái, Phú Hữu... Khi đó chi phí nạo vét thường xuyên cho sông Lòng Tàu buộc phải đặt ra cho ngân sách. Còn sông Soài Rạp muốn có độ sâu hơn sông Lòng Tàu phải chấp nhận chi phí nạo vét ban đầu và chi phí duy tu như thế nào là bài toán chưa có lời giải.

Cũng vì thiếu tiền nên việc đầu tư hệ thống dịch vụ cảng gần như chưa có gì. Cửa ngõ ra vào các cảng tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu là tuyến quốc lộ 51 còn đang trong quá trình mở rộng. Nói dễ hiểu là cảng đang chờ đường. Thiếu những điều kiện ấy nên hàng hóa tại TP.HCM, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn khi chuyển xuống. Sự phân bổ hàng hóa giữa cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng TP.HCM chỉ thay đổi khi cơ sở hạ tầng bên ngoài cảng được hoàn thiện.

Với một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam thì phát triển cảng biển là xu thế tất yếu bởi như thế mới có thể khai thác hết các tiềm năng của biển cùng nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, việc đầu tư này nên được tính toán kỹ dựa trên quy hoạch và dự báo sát với thực tiễn. Không thể hình thành cảng biển một cách tràn lan, dàn trải, bởi hiện tại hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay tuy nhiều về số lượng nhưng thiếu về qui mô.

Việt Nam đã hội nhập và đang trên đường trở thành một điểm đến trong mạng lưới kết nối toàn cầu. Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nhân đến làm ăn, một phần giúp cải thiện hạ tầng, dịch vụ cảng phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đó là vấn đề mà chúng ta còn thiếu.

Nên chăng với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn hẹp thì việc đầu tư cần có một sự chọn lọc, dồn sức cho các dự án thật sự bức thiết, tại những khu vực tập trung nguồn hàng lớn, nhằm sớm có những cảng biển hiện đại chứ không thể chạy theo số lượng. Rồi đến lúc cảng biển thì nhiều, cứ được liên lục xây dựng, nhưng chỉ là các cảng nhỏ, lạc hậu, sẽ không phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta./.