Bình luận: Sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

(VOH) - Hôm nay, hàng triệu đồng bào cả nước ta - từ miền xuôi tới miền ngược, từ biên giới đến hải đảo và cả kiều bào ở nước ngoài đều thành kính và cùng hướng về quê cha đất tổ để tưởng nhớ ngày giỗ Tổ Vua Hùng - người đã có công tạo dựng nên non sông gấm vóc Việt Nam bây giờ.

Hành hương về đất Tổ ngày mùng 10 tháng 3. Ảnh: internet

Có thể nói việc thờ cúng và tín ngưỡng là nét văn hóa tinh thần rất phổ biến tại nhiều quốc gia, dân tộc. Vậy nhưng thật hiếm có nơi nào như ở Việt Nam, 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước lại tự nguyện xem mình có chung Quốc Tổ, chung một cội nguồn và không rõ tự bao giờ - có lẽ là nhiều thập kỷ nay, lễ hội Đền Hùng đã trở thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ và vì thế mà hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hơn 80 triệu người dân Việt Nam lại nhớ về ngày giỗ tổ của vua cha tại miền đất trung du Phú Thọ.

Có lẽ trong đời, không ít người đã nhiều lần hoặc ít ra là một lần đặt chân tới Đền Hùng và từng bước một, leo lên Đền hạ, Đền trung rồi Đền thượng… thắp nén hương thành kính lên tổ tiên ông bà để rồi được thanh thản và nhẹ nhàng trải lòng mình ra trước khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ xung quanh. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận là trên thực tế đức Hùng Vương đã trở thành đấng tối linh được ngưỡng mộ và thờ cúng như những vị tổ của dân tộc và nhiều năm qua hội Đền Hùng đã phát triển thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ… đó chính là nét văn hóa độc đáo của  tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở VN mà khó có thể lặp lại theo hình mẫu tương tự ở Quốc gia nào khác. Và điều thú vị hơn thế - cũng theo các nhà khoa học thì chủ thể của di sản văn hóa này, hay nói cách khác người thực hành di sản này chính là hàng triệu triệu người dân VN. Có thể thấy sự khác biệt so với các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng khác chính là ở chỗ tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng có sức mạnh tiềm tàng và lớn lao: đó là tinh thần đoàn kết các dân tộc VN trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ tổ quốc qua các thời kỳ. Điều này thể hiện rõ nét là trải dài đó đây trên khắp lãnh thổ nước ta, đồng bào đều xây dựng những đình đền thờ cúng Hùng Vương. Vì vậy có thể xem tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là tín ngưỡng mang tính tâm linh có quy mộ rộng lớn nhất tại VN. Ngoài việc thờ chung Quốc Tổ, tín ngưỡng này còn là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta. Có lẽ vì những đặc điểm mang tính  quảng đại và độc đáo như vậy mà vừa qua hồ sơ Quốc gia tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được hoàn tất và đệ trình lên UNESCO xem xét vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có thể nói tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay, ngoài sự quan tâm và thực hành di sản một cách thành tâm và thường xuyên của cả cộng đồng thì vai trò của Nhà nước trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy di sản quý báu này là rất lớn. Chính Nhà nước đã coi trọng và đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ tín ngưỡng dân gian  trở thành lễ hội Quốc gia và từ năm 2007, Chính phủ đã quyết định cho người lao động cả nước được nghỉ làm việc đúng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Nhân ngày giỗ Tổ  Hùng Vương chúng ta cùng hướng về quê cha đất tổ để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nên đất Việt hôm nay và thêm tự hào về vùng đất hội tụ văn hóa tâm linh - nơi tạo ra sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam./.