Bình luận: Trung Quốc không thể phủ nhận lịch sử TQ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của VN

(VOH) - Chính đại sứ Chen Jinghua Trưởng đoàn đại biểu Trung quốc đã tuyên bố: “Yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các đảo đá... là ảnh hưởng đến các nguyên tắc quan trọng của Công ước Luật biển và đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế”.

Thêm một lần nữa, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các qui định của công ước Liên Hiệp quốc về luật biển năm 1982, trái với tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông ; khi Trung quốc xử dụng tàu khảo sát mang tên Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi từ 90 đến 116 hải lý. Hành động nầy của Trung quốc đã đi ngược lại tuyên bố của Trung quốc tại khóa họp lần thứ 15 của cơ quan Đáy Đại dương quốc tế tổ chức tại Kingston - Jamaica vào tháng 6/2009. Chính đại sứ Chen Jinghua Trưởng đoàn đại biểu Trung quốc đã tuyên bố: “Yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các đảo đá... là ảnh hưởng đến các nguyên tắc quan trọng của Công ước Luật biển và đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế”. Cũng tại đó, trưởng đoàn Trung Quốc đã dẫn lời của đại sứ Avid Pardo (người đã đưa ra khái niệm vùng đáy biển di sản chung của loài người trong Công ước Luật biển) là “nếu quyền tài phán 200 hải lý được dựa trên quyền sở hữu các đảo không người ở, xa xôi hoặc rất nhỏ thì hiệu quả của việc quản lý quốc tế các vùng đại dương bên ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ bị tổn hại nặng nề”. Một dẫn chứng khác là tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị các nước thành viên LHQ lần 19 từ ngày 22 đến 26-6-2009 tại New York cũng khẳng định: “Theo điều 121 của Công ước Luật biển, các đảo đá không thích hợp cho con người ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng la không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng”.

 Hoàng Sa là một trong những ngư trường đánh bắt cá của người dân Việt Nam.

Về mặt lịch sử từ thập niên 50 của thế kỷ 20, chính sử Trung quốc không hề nói gì đến Hoàng Sa và Trường sa là đất của Trung quốc, mà chính sử của Trung quốc luôn ghi: “Cương vực của Trung quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam”. Các sách Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký, Địa dư ký thăng năm 1221, Quảng Đông thông chí năm 1842 chỉ ghi “vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường có viên Đô đốc Lý Phục mang quân từ lục địa lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm bị dân bản địa nổi dậy làm chủ và xin vua Đường cho đặt phủ Đô đốc tại quận Quỳnh Sơn”. Không hề có chuyện “Sát nhập bất kỳ đảo ở biển nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam”. Lịch sử nước ta còn lưu giữ rất nhiều văn bản của triều đình từ thời nhà Lê, nhà Nguyễn xác định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của nước ta và cử nhiều đội chiến thuyền chở quân ra trấn giữ. Các di chỉ bút tích còn lưu giữ tại nhiều Viện Bảo tàng, Bộ ngoại giao của nước ta. Những tư liệu đang lưu trữ tại Pháp cũng như Hội truyền giáo La Mã đã xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa à Trường Sa như.
- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels tức Hồng Sa là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
- Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
- An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.
- The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels).
Qua tuyên bố của đại sứ trưởng đoàn đại biểu Trung quốc tại cuộc họp lần thứ 15 của cơ quan Đáy Đại dương quốc tế hay Hội nghị các nước thành viên LHQ tháng 6/2009 cũng như chính sử Trung quốc, những cứ liệu của phương Tây , một lần nữa khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Trung Quốc không thể phủ nhận lịch sử nước mình, không thể phủ nhận tuyên bố của quan chức ngoại giao cấp cao của Trung quốc ở diễn đàn Liên Hiệp quốc. Trung quốc phải chấm dứt ngay mọi hoạt động gây căng thẳng, phức tạp thêm ở biển Đông. Trung quốc phải tuân thủ những điều đã ký kết với Việt Nam, với các nước Asean, biến biển Đông thành khu vực hòa bình hữu nghị và hợp tác.