Bình luận: Từ Asiad lo về Olympic

(VOH) - Với riêng thể thao Việt Nam, ASIAD 17 là một kỳ thi đấu khá đặc biệt, dù có nhiều điểm sáng, có cả những tấm huy chương lịch sử, vẫn không thể coi đây là kỳ Đại hội thành công.

Đại hội thể thao châu Á 2014 - ASIAD 17 khép lại với đầy ắp cảm xúc sau hơn 2 tuần tranh tài. Niềm vui thăng hoa khi chiến thắng, vỡ òa hạnh phúc khi chạm tay vào vinh quang, và cả những giọt nước mắt cay đắng vì thất bại… Với riêng thể thao VN, đây là một kỳ ASIAD khá đặc biệt, dù có nhiều điểm sáng, có cả những tấm huy chương lịch sử, vẫn không thể coi đây là kỳ Đại hội thành công. Đơn giản là các VĐV vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra, khi giành 10 HCB, 25 HCĐ, song chỉ có 1 HCV duy nhất, xếp thứ 21 chung cuộc. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu HCV tại Á vận hội, để lại nhiều nỗi lo khi nghĩ đến những đấu trường lớn hơn. Gần nhất là mục tiêu đoạt tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử tại Olympic Rio de Jainero, Brazil năm 2016.

Trước khi lên đường tham dự ASIAD 17 tại Incheon - Hàn Quốc, lãnh đạo ngành thể thao cho rằng, mục tiêu 2-3 HCV là vừa sức và đã được tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các môn được đặt nhiều kỳ vọng như cử tạ, bắn súng, karatedo, taekwondo, điền kinh lần lượt lỡ hẹn với HCV, kéo theo đoàn thể thao Việt Nam một lần nữa chưa thể vượt qua chính mình.

Niềm hy vọng hàng đầu là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng, dù từng giành HCV thế giới nhưng gần như trắng tay ở ASIAD kỳ này, không giành nổi một tấm huy chương cá nhân nào. Taekwondo, karatedo là những môn từng đoạt HCV ở các kỳ ASIAD trước đây, được đặt kỳ vọng lớn nhưng rốt cuộc không đạt mục tiêu, nghĩa là không duy trì được sự ổn định và kế thừa.

Bên cạnh những lý do khách quan, một nguyên nhân chủ quan tồn tại qua nhiều kỳ Đại hội thể thao lớn mà chúng ta vẫn chưa - khắc - phục - được, là vấn đề tâm lý thi đấu. Giành 1 HCV duy nhất môn wushu, nhưng VN lại có đến 10 HCB, đồng nghĩa với việc có khoảng chục cơ hội cạnh tranh HCV, song tất cả đều vuột mất. Đơn cử như HCB bắn súng của Nguyễn Hoàng Phương, anh dẫn đầu đến tận loạt bắn cuối cùng, nhưng chỉ vì tâm lý không ổn định nên bắn không chính xác, đành ngậm ngùi nhận HCB.

VĐV Dương Thúy Vi với phần thi đoạt HCV duy nhất cho thể thao VN tại ASIAD 17 - Ảnh: TNO.

 

Nói như thế không có nghĩa là những tấm huy chương đó không đáng trân trọng. Mỗi tấm huy chương ở đấu trường khắc nghiệt như ASIAD đều thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các VĐV, cạnh tranh khốc liệt cùng những VĐV giỏi nhất châu lục và thế giới để mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. Có những tấm huy chương dù chưa phải là HCV vô địch, song sẽ không quá lời gọi đó là những tấm huy chương của kỳ tích. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, một trong những tài năng lớn nhất mà bơi lội VN từng sở hữu, đã ghi tên vào lịch sử khi mang về HCĐ 400m hỗn hợp nữ, tấm huy chương đầu tiên của bơi lội VN tại đấu trường ASIAD. Thạch Kim Tuấn dù chỉ giành HCB cử tạ nhưng đã phá kỷ lục châu Á và mức tổng cử 294kg của anh đã vượt qua ASIAD 16 cũng như cả HCV 2 kỳ Olympic gần nhất. Những môn thể thao nằm trong hệ thống Olympic như thể dục dụng cụ, xe đạp, boxing, đấu kiếm cũng mang về những tấm huy chương đầu tiên ở đấu trường thể thao lớn nhất châu lục, thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận.

Trong thể thao, để giành chiến thắng, cần phải dựa vào bản lĩnh, nội lực và đôi khi là cả sự may mắn. Có thể chúng ta còn thiếu một chút may mắn để hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, nội lực, bản lĩnh được trui luyện, nền tảng đầu tư cơ bản, vẫn là những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại. Mà điều này thì thể thao Việt Nam chưa thể hiện và khẳng định được như đối thủ.

Nhắc lại một câu chuyện cũ, đó là Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Sea Games. Tuy nhiên, ở ASIAD hay Olympic, đoàn Việt Nam tỏ ra hụt hơi so với chính các nước Đông Nam Á. Ngay ASIAD vừa qua, Việt Nam chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và cả Myanmar, bởi Myanmar chỉ giành tổng cộng 4 huy chương nhưng 2 trong số đó là HCV nên vẫn xếp trên VN.

Thực tế, nhìn vào chính sách đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm vẫn có thể thấy định hướng dàn trải của thể thao nước nhà. Thời mới hội nhập, chính sách “đi tắt đón đầu” của thể thao Việt Nam được đánh giá là phù hợp và đã tạo được những thành công nhất định, đưa thể thao nước ta luôn nằm trong top 3 Sea Games. Nhưng đáng nói ở chỗ, khi hướng tầm nhìn ra xa hơn - nghĩa là ra khỏi ao làng, thì mới thấy những bước chuyển mình của thể thao Việt Nam rõ - ràng - là - quá -chậm so với các nước trong khu vực. Chúng ta đã xây dựng chiến lược đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm nhằm vào 2 mục tiêu lớn: giành HCV đầu tiên tại Olympic 2016 và đăng cai ASIAD 18. Chính phủ đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18 do chúng ta chưa chuẩn bị kỹ về nhiều mặt. Riêng mục tiêu HCV Olympic 2016 đã được đặt ra từ sau khi lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng mãi đến 1, 2 năm gần đây ngành thể thao mới thật sự chú tâm đến chiến lược đầu tư trọng điểm.

Vậy nên không quá khó hiểu là vì sao chúng ta chưa thể hoàn thành chỉ tiêu ở ASIAD 17. Nhìn rộng ra tới Olympic Rio 2016, khả năng giành HCV của thể thao Việt Nam vẫn rất đáng lo.