Cần chủ động ứng phó với thiên tai

(VOH) - Cuối tuần qua, một trận mưa dông với sức gió tương đương bão, mạnh cấp 9, giật cấp 10 kèm theo lốc xoáy đã bất ngờ đổ ập xuống Hà Nội, khiến người dân thủ đô một phen kinh hoàng.

Toàn thành phố có gần 1.300 cây xanh bị gãy đổ và bật gốc, 2 người chết và 7 người bị thương, hàng chục xe máy, ôtô bị cây xanh đè nát, ước tính thiệt hại trên 3,6 tỷ đồng. Cơn dông không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản mà còn khiến người ta phải suy nghĩ nhiều điều về quy hoạch cây xanh tại các đô thị, bên cạnh đó là công tác ứng phó với thảm họa, thiên tai của các cơ quan chức năng cần phải nhanh nhạy và kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên nhiên gây ra.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, cơn mưa dông vừa qua ở Hà Nội là biểu hiện cho những diễn biến vô cùng nguy hiểm của thời tiết và cực kỳ hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Đây là minh chứng rõ nét cho những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, là nguyên nhân cho sự xuất hiện của thời tiết cực đoan ngày càng nhiều hơn với cường độ ngày càng mạnh hơn. Nên thời gian tới, không chỉ Hà Nội mà bất kỳ địa phương nào khác trên cả nước cũng có thể hứng chịu một trận siêu dông tương tự và nếu chúng ta không có sự chuẩn bị sẵn sàng thì hậu quả có thể còn nặng nề hơn.

Một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai bão lũ như nước ta thì việc dông lốc làm cây cối ngã đổ, nhà cửa, công trình hư hại là chuyện tất yếu phải đến. Vấn đề là lựa chọn cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nó gây ra. Việc trồng và chăm sóc cây xanh trong thành phố cần phải được quy hoạch bài bản và khoa học như việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán, những cây sâu mục phải được phát hiện sớm và có sự thay thế kịp thời… sao cho mùa nắng, thành phố vẫn xanh mát; còn mùa dông bão hạn chế thấp nhất việc cây  bị ngã đổ. Bài học từ vụ dông lốc ở Hà Nội là một thực tế cần rút kinh nghiệm sâu sắc với các đô thị lớn.

Cây bồ đề bị đổ sập trên đường Trần Cao Vân (P.Đakao, Q.1, TPHCM) sau cơn mưa vào vào trưa 17/6. Ảnh: Lan Hương

Còn nhớ cùng thời điểm này năm ngoái, TP.HCM cũng từng xảy ra nhiều vụ cây xanh ngã đổ do mưa dông và khiến một người thiệt mạng. Công tác khắc phục đã nhanh chóng được triển khai và đó được xem là một bài học kinh nghiệm đắt giá. Những ngày qua, thành phố bắt đầu vào mùa mưa, công tác cắt tỉa cây xanh, đặc biệt là cây có kích thước lớn, cây cổ thụ đang được tăng cường. Thế nhưng, với số lượng 5.500 cây xanh loại này trên địa bàn thành phố, thì các cơ quan chức năng hoàn toàn không được chủ quan, lơ là… vì nó có thể ngã đổ bất cứ lúc nào nếu không được chủ động phát hiện mối nguy mà mắt thường không nhìn thấy.

Trong một đô thị hiện đại, người dân không chỉ mong muốn được hưởng thụ sự tiện lợi và hiện đại của hạ tầng giao thông mà bên cạnh đó, họ còn mong muốn được an toàn khi ra đường, nếu để xảy ra những tai nạn từ trên trời rơi xuống dẫn đến cái chết thương tâm thì thật đáng trách. Mà điều này chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được từ ý thức và trách nhiệm của các ngành chức năng. Bên cạnh đó, với người dân ở các đô thị lớn, cần tự bảo vệ mình trước tác động của thiên tai như trang bị các những kỹ năng ứng phó phù hợp, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết hoặc tìm nơi trú tránh an toàn khi thấy mưa dông để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng cho bản thân và gia đình.

Để ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan và nguy hiểm như hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của ngành khí tượng thủy văn là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò tuyên truyền của các cơ quan truyền thông báo đài trong việc chuyển tải thông tin phòng chống thiên tai, bão lũ đến người dân một cách nhanh nhất. Có như vậy, thì mỗi mùa mưa bão đến, chúng ta phần nào yên tâm và chấp nhận sống chung với nó như một quy luật tất yếu của tự nhiên.