Cần giải quyết căn cơ tình trạng ẩu đả, hung hãn

(VOH) - Thông tin lần đầu tiên được Bộ Y tế công bố về con số hơn 5.000 người phải nhập viện vì đánh nhau, gây thương tích trong những ngày Tết vừa qua đã làm không ít người đọc băn khoăn, lo lắng. Không dừng ở đó, con số thống kê hiển nhiên chưa đầy đủ và bao giờ cũng thấp hơn con số thực tế vì không phải vụ việc nào cũng nhập viện (kể cả bệnh viện công hay tư).

Ảnh minh họa: doisongphapluat.com

Hiện nay, ở nhiều địa phương đã thấy sự gia tăng tính côn đồ hung hãn của những người mà đa phần là thanh thiếu niên khi có vụ việc xảy ra. Dùng vũ lực để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân với nhau đang có chiều hướng tăng lên, ngay cả khi mâu thuẫn đó chỉ là việc nhỏ như va quẹt xe khi lưu thông trên đường hay bất đồng ý kiến trên bàn nhậu.

Thậm chí không chỉ là cá nhân mà có khi cả đám đông, băng nhóm cũng dùng sức mạnh để giải quyết như việc đánh nhau trong lễ hội, hay cả làng xúm vào đánh chết kẻ trộm chó, hành hung cả bác sĩ y tá, thầy cô trong bệnh viện, trường học và cả các em nữ sinh cũng đánh hội đồng để “trừng phạt” lẫn nhau vì những lý do rất trẻ con...

Người đọc không khó khăn để thấy trên báo, trên mạng xã hội đều có những tin tức về các vụ bạo lực, ẩu đả, giết người mất nhân tính xảy ra hàng ngày. Tất cả những điều đó đã cho thấy tình trạng sử dụng sức mạnh “tay chân” để giải quyết mâu thuẫn ngày càng gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như có thể thấy rõ nhất đó chính là sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, việc thực thi luật pháp chưa nghiêm và những bức xúc của mỗi cá nhân không được chú trọng giải tỏa kịp thời đúng lúc.

So sánh mức độ gia tăng tính côn đồ giữa giai đoạn trước đây và hiện tại, nhiều ý kiến đổ lỗi nguyên nhân là do nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy ở các nước phát triển đi theo kinh tế thị trường, mặc dù tiền bạc, vật chất luôn đóng vai trò quyết định nhưng vẫn không có tình trạng bạo lực hung hãn tràn lan, len lỏi vào tất cả các thành phần xã hội. Như vậy, đạo đức sa sút mới chính là điều đáng nói khi đề cập đến nguyên nhân của tình trạng ẩu đả, hung hãn ngày càng gia tăng trong xã hội.

Rõ ràng, sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội trong trường hợp này đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Hay nói cách khác, nạn bạo lực hung hãn đang diễn ra chính là hệ quả của những năm qua chúng ta chưa xây dựng được một nền tảng giáo dục đạo đức hiệu quả, từ đó bồi dưỡng vun đắp cho mỗi con người trong cộng đồng mà họ đang sinh sống, làm việc. 

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, con người khi mới sinh ra không ai mang sẵn tính ác. Nhân cách mỗi người dần được hình thành trong quá trình lớn lên ở môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, sự giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách mỗi người, có tác dụng ngăn chặn không để cho con người rơi vào vòng xoáy của cái ác, cái xấu.

Pháp luật là công cụ để xử lý và răn đe khi cái ác, cái xấu xảy ra nhưng khi đã sử dụng luật pháp thì phải nghiêm minh. Nhiều vụ việc đánh nhau, ẩu đã cho thấy pháp luật xử lý chưa nghiêm, chưa tạo được niềm tin về sự công bằng trong xã hội và như vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt, dẫn tới hệ quả là mỗi người cứ hành xử với cách riêng của mình bất chấp sự trừng phạt của pháp luật. Thưởng phạt nghiêm mình sẽ là yếu tố cần để thiết lập trật tự trong môi trường tập thể, trong cộng đồng hay toàn xã hội.

Để ngăn chặn những hành vi ẩu đả, đánh nhau, nạn côn đồ hung hãn thì cần giải quyết được những nguyên nhân cơ bản phát sinh vấn nạn này. Đây là chuyện không chỉ của riêng cơ quan nào hay của riêng ai, mà bản thân mỗi người cần tự  ý thức và luôn tu dưỡng đạo đức, luôn nghiêm khắc với cái xấu, cái ác và tránh những hành vi vi phạm pháp luật. Cần giáo dục, nâng cao đạo đức trong xã hội, trong nhà trường, gia đình; giải quyết rốt ráo những mâu thuẫn cá nhân phát sinh trong sinh hoạt, công việc, lập lại trật tự, công bằng xã hội cũng như xây dựng một xã hội pháp quyền, thực hiện pháp luật nghiêm minh.

Các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần phải định hướng xây dựng cho được văn hóa cộng đồng, đề cao cái tốt, cái đẹp, nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ cho người dân để mỗi người nhận thức được đâu là điều cần làm, đâu là điều phải tránh, góp phần giải quyết căn cơ tình trạng ẩu đả, hung hãn đang gia tăng hiện nay.