Cần khen thưởng học sinh tiểu học đúng với thực chất

(VOH) - Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho cách cho điểm số. Đồng thời, việc tuyên dương, khen thưởng học sinh bãi bỏ danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thay bằng những hình thức linh hoạt hơn.

Như những năm trước nhiều phụ huynh vẫn nhìn tờ giấy khen để biết được con em mình đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Tuy nhiên, năm nay, nhiều phụ huynh lạ lẫm với giấy khen của con như: học đều tất cả các môn, đạt thành tích xuất sắc trong cả năm học, có tiến bộ trong cả năm học… Mỗi trường khen mỗi kiểu, các cơ quan cũng đau đầu nghiên cứu thông tư 30 để khen thưởng cho con cán bộ công nhân viên.

Một học sinh được nhận giấy khen giỏi về kiến thức, năng lực. Ảnh: Nguyễn Trang/VNE

Cô Vũ Thị Kim Hoa, hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: việc khen thưởng học sinh năm nay qua nhiều công đoạn hơn. Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp, đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, kết quả học tập của từng học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên bộ môn, tổ chức cho lớp bình bầu danh sách học sinh được khen thưởng. Nội dung khen thưởng là kết quả học tập hay khen về năng lực, phẩm chất như luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập, hăng hái tham gia các hoạt động của trường lớp,…"Thông tư 30 khen thưởng theo 3 mặt về học tập, năng lực, phẩm chất. Các bạn trong lớp, giáo viên sẽ căn cứ vào quá trình học tập, phát triển của học sinh để đánh giá 3 mặt đó, có thể các em được khen một mặt, hai mặt cũng có em được khen ba mặt”, cô Hoa cho biết thêm.

Để đổi mới tuyên dương khen thưởng, giáo viên buộc phải theo dõi sát sao học sinh trong lớp, nắm rõ đặc điểm năng lực của từng học sinh. Vì vậy, nội dung khen thưởng cũng linh hoạt không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Năm nay, các em học sinh tuy học lực chưa bằng các bạn khác nhưng có sự nỗ lực vươn lên về phẩm chất, năng lực, khả năng riêng thì vẫn được ghi nhận và khen ngợi như những bạn học giỏi. Cô Đỗ Thị Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Phước Bình cho hay: “Năm trước, khen thưởng học sinh giỏi là đạt môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học đạt 9 điểm trở lên, các môn còn lại hoàn thành tốt, năm nay không nhất thiết phải toàn diện mới được khen thưởng mà học sinh nổi trội về mặt nào là có thể khen được, cho nên giấy khen mỗi học sinh không giống nhau”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD- ĐT TP) nhìn nhận, để việc đánh giá, tuyên dương học sinh đúng tinh thần Thông tư 30, các thầy cô cần nêu những biểu hiện nổi bật về đặc điểm và sự tiến bộ, cũng như góp ý học sinh hoàn thiện hơn, cơ chế này đòi hỏi người thầy phải sâu sát và sáng tạo hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm đến việc con mình học được kiến thức ở trường thay vì thành tích đạt được: “Học sinh được thầy cô hướng dẫn và giúp đỡ các em khắc phục những điều mà các em cần phấn đấu rèn luyện, có những giải pháp cụ thể giúp đỡ cho từng em hoàn thành tốt việc học. Chúng tôi cũng mong rằng phụ huynh sẽ quan tâm tìm hiểu việc học của con ở trường để có thể phát triển hết khả năng, năng lực, phẩm chất của học sinh”.

Thông tư 30 bỏ danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến để không còn áp lực chạy đua kiểm tra đạt điểm cao. Tuy nhiên, khen thưởng học sinh tiểu học vẫn cần thiết để các em được khích lệ, động viên trong học tập. Thế nhưng, việc tuyên dương khen thưởng hiệu quả cần nêu bật được sự tiến bộ và năng lực cụ thể để giúp học sinh ham thích học tập, phát huy được sở trường, năng khiếu.