Cần ngăn chặn thị trường "ngầm" chuyên trị nguyên liệu thực phẩm không an toàn

(VOH) - Tháng hành động Vì chất lượng an toàn thực phẩm 2015 từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, tập trung kêu gọi ý thức người sản xuất kinh doanh, nâng cao vai trò của người tiêu dùng, tăng cường quản lý.

 

Ảnh minh họa: Lan Hương

Năm nào TPHCM cũng xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm, chỉ khác ở chỗ tần suất mắc, phạm vi cũng như tính chất nghiêm trọng của từng vụ việc. Mới đây thôi, cuối tháng 3 và trung tuần tháng 4, các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất bì heo lậu với nguyên liệu hôi thối, bốc mùi trong khu nhà trọ xập xệ, kèm theo đó là hóa chất không rõ nguồn gốc lên tới hàng trăm ký. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản cơ sở sản xuất chà bông gà từ 400 kg gà nguyên liệu chưa qua kiểm dịch…

Những vụ việc đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi còn biết bao cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm chui, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng chưa bị phát giác. Vì lợi nhuận, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không phép đã ngang nhiên dùng hóa chất độc hại, tẩy rửa nguyên liệu bẩn rồi mang đi tiêu thụ khắp nơi... tạo thành một thị trường “ngầm” chuyên trị nguyên liệu chỉ đáng bỏ đi. Nghiêm trọng hơn, thị trường này nhắm vào phân khúc người lao động nghèo, công nhân hay người thu nhập thấp... không có khả năng tiêu thụ sản phẩm thương hiệu, có uy tín, được phân phối chính thức trong các cửa hàng, siêu thị.

Trên thực tế, chúng ta nắm được phương thức hoạt động của thị trường “chuyên trị” các nguyên liệu thực phẩm không an toàn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn nó hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp ?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Bởi các nguyên nhân gây ngộ độc hầu hết đều bắt nguồn từ ý thức người sản xuất, người bán - người mua và sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước. Với người sản xuất vi phạm đạo đức kinh doanh, cần phải thật mạnh tay, tăng chế tài xử phạt, nếu cần thiết có thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự để tạo tính nghiêm minh của pháp luật; Người bán - người mua cần có thái độ tẩy chay thực phẩm bẩn, cũng là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; Về quản lý, thiết nghĩ cần siết chặt khâu đầu vào của nguyên liệu, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện nhanh những trường hợp vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe tính mạng người tiêu dùng.

Thế mới thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không còn là câu chuyện của riêng ai và cần được lên tiếng báo động hằng ngày, nhằm nâng cao ý thức từ nhà sản xuất kinh doanh, nuôi trồng cho đến người tiêu dùng.. Hàng năm, TPHCM đều mở các đợt cao điểm tập trung truy quét các cơ sở “chuyên trị” thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, sau những đợt ra quân rầm rộ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì, ngăn chặn và xử lý, không cho sản phẩm kém chất lượng có cơ hội tuồn ra thị trường làm tổn hại đến sức khỏe của cộng đồng.