Căn nguyên của sự quá tải trong ngành y

(VOH) - Không phải đợi đến bây giờ dư luận xã hội mới quan tâm đến câu chuyện quá tải ngành y tế. Còn nhớ đã qua nhiều nhiệm kỳ, qua mấy đời bộ trưởng, quá tải lúc nào cũng là một vấn đề “nóng” của ngành y tế mà trong nhiệm kỳ nào cũng đặt ra giải quyết.

Bệnh nhân nằm kín hành lang khoa ngoại thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: SGTT

Thế nhưng, vì sao bây giờ nó “nóng” hơn , thu hút sự quan tâm của người dân đến như thế? Có lẽ đó cũng là điều tất yếu, xã hội phát triển người dân có nhu cầu được xem là khách hàng, là thượng đế khi họ bỏ tiền ra để hưởng dịch vụ cho mình, nhưng cũng có thể do mô hình bệnh tật thay đổi, người bệnh ngày càng nhiều nhất là những bệnh phức tạp, bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính… họ cùng nhau đổ xô vào bệnh viện để rồi phải than trời trách đất bởi sự quá tải đến chừng không thể chịu được.

Hàng ngày, nghe đài, xem ti vi, mỗi người đã cảm thấy quen thuộc cảnh người bệnh phải nằm đôi, nằm ba, nằm hành lang, thậm chí nằm dưới  gầm giường tại những bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện Ung bướu TP, bệnh viện chấn thương chỉnh hình hay bệnh viện chuyên khoa nhi. Và thực tế đã phản ánh đúng về sự vượt mức tỷ lệ giường bệnh so với chỉ tiêu của ngành, giường bệnh thì ít mà người bệnh thì nhiều nên thiếu chỗ nằm là điều hiển nhiên. Ngay như TPHCM, thống kê cho thấy tổng số giường bệnh hiện nay là trên 31.000 giường nhưng số lượt bệnh nhân nội trú luôn tăng cao, nhiều bệnh viện đã kê thêm giường so với chỉ tiêu được giao nhưng vẫn không đủ. Đi nằm viện mà thực ra phải “ngồi viện” khổ sở trăm bề. Không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân, đến chất lượng điều trị mà quá tải còn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự phát sinh tiêu cực trong ngành y hay thái độ phục vụ thờ ơ, cáu gắt của nhân viên y tế cũng có lẽ bắt đầu từ đây mà ra.

Báo cáo gần đây nhất, bệnh viện Nhi đồng 1 đã làm thống kê, trung bình mỗi buổi sáng, 1 bác sĩ phải khám cho khoảng 80 bệnh nhi, giữa 1 khung cảnh chật chội đầy hơi người, đầy tiếng khóc của trẻ con, thì thử hỏi 1 bác sĩ họ bỏ ra bao nhiêu thời gian để khám và lắng nghe tâm tư của người bệnh? Cả bệnh nhân và bác sĩ đều mệt nhoài chỉ vì 2 chữ quá tải, đây được xem là  căn bệnh trầm kha mà ngành y tế cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Tuy vậy, để giải bài toán này thật không đơn giản chút nào.

Ngành y tế thực hiện khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật, thế nhưng nguyên tắc này hiện nay thực sự đã bị gãy. Khoan hãy đề cập đến những bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, tâm lý người bệnh  nhất là những bệnh nhân có điều kiện thì cứ thích chạy về tuyến cao nhất, nơi chữa hay nhất dù chỉ là bệnh xoàng xoàng, bệnh thông thường. Bệnh viện tuyến trung ương thay vì chỉ tập trung vào những nhóm bệnh cần hội chẩn điều trị, hay những bệnh mà tuyến dưới bó tay thì nay phải gồng gánh, phải chia lửa, bớt người ra để lo cho nhóm bệnh không đáng ngại mà vẫn đến khám. Trong khi đó, bệnh viện quận, huyện - nơi lẽ ra phải giải quyết nhóm bệnh này, đúng theo phân tuyến thì lại vắng hoe. Nhìn thấy điều này, Bộ trưởng Bộ y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến kiên quyết đưa nhóm giải pháp trong đó có phân tuyến kỹ thuật vào thành thông tư, văn bản quy phạm pháp luật để bắt buộc các cơ sở y tế phải thực hiện đúng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện nghiêm quy định chuyển viện , những bệnh không cần chuyển viện các cơ sở y tế phải giữ lại tại tuyến cơ sở. Ngoài ra, bộ cũng sẽ kiến nghị sửa Luật Bảo hiểm y tế nhằm trả đúng bệnh nhân về nơi cần thiết điều trị, không tùy tiện vượt tuyến hay chuyển viện với những đối tượng tham gia BHYT. Hy vọng những nhóm giải pháp này sẽ được triển khai thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc… Vấn đề ở đây, làm sao để người dân hiểu mà hỗ trợ với ngành y tế thực hiện kiên quyết những biện pháp giảm tải. Phải có sự hợp tác từ 2 chủ thể , từ phía người bệnh kết hợp cùng với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế thì hy vọng trong tương lai, quá tải không còn là đề tài quá nóng trong ngành y tế như hiện nay./.