Cần xử lý nghiêm các vụ buôn bán, tiêu thụ ngà voi, sừng tê

(VOH) - Vụ bắt giữ gần 1 tấn ngà voi và sừng tê giác nhập lậu từ Mozambich về Việt Nam qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vào ngày 13/8 vừa qua, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn buôn lậu các mặt hàng từ động vật hoang dã vào Việt Nam.

Số ngà voi và sừng tê nhập lậu trị giá đến 100 tỷ đồng. Việc các đối tượng buôn lậu ngụy trang ngà voi và sừng tê trong những viên đá cho thấy đây là một vụ buôn lậu quy mô lớn, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi.

Trước đó một ngày, ngày 12/8/2015, gần 100 ký ngà voi và sừng tê giác trong  hành lý của 2 hành khách từ Ethiopia về Việt Nam cũng đã bị phát hiện tại cửa khẩu sân bay Nội Bài.

Ngoài ra, cũng trong tuần lễ thứ 2 của tháng 8, đã có thêm 2 vụ việc buôn bán ngà voi và sừng tê ở Lào Cai và Quảng Ninh bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Một nhóm các nhà động vật học đang nỗ lực cứu chữa cho một chú tê giác bị cắt sừng một cách độc ác (Ảnh: Baomoi)

Ngày càng tăng

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), năm 2014, tại Việt Nam có  60 vụ nhập lậu, buôn bán, tàng trữ trái phép liên quan tới sừng tê giác, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.

Tính đến tháng 8/2015 đã có 12 vụ mua bán, tàng trữ liên quan đến sừng tê và 34 vụ liên quan đến ngà voi bị phát hiện. Đa phần mặt hàng ngà voi và sừng tê đều có nguồn gốc từ các nước châu Phi, được nhập lậu về Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và trung chuyển đến các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

Thống kê 40 năm qua, lượng tê giác trên thế giới giảm tới 95%. Nam Phi là nước sở hữu hơn 70% quần thể tê giác trên thế giới. Theo Bộ Tài nguyên nước và môi trường Nam Phi, riêng năm 2014, có ít nhất 1.215 cá thể tê giác bị giết hại tại nước này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, với cá thể tê giác một sừng cuối cùng bị giết hại vào năm 2010 tại vườn Quốc gia Cát Tiên, loài tê giác này ở nước ta đã tuyệt chủng.

Việc gia tăng thị trường tiêu thụ sừng tê ở các nước châu Á như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam là do nhiều người coi sừng tê giác là một “thần dược”, trị bá bệnh. Hơn nữa, việc tiêu thụ sừng tê còn được nhiều người giàu coi là đẳng cấp.

Tăng cường tuyên truyền - nâng cao xử phạt

Ba chuỗi mắt xích gồm săn bắt - buôn lậu - tiêu thụ. Nếu hạn chế được việc buôn bán và tiêu thụ thì chắc chắn sẽ làm giảm được việc săn bắt động vật hoang dã. Với hỗ trợ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên và các cơ quan chức năng, nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã đã được các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tham gia nhằm kêu gọi mọi người không tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời thông báo các vụ vi phạm đến cơ quan chức năng.

Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế, dù có nhiều nỗ lực nhưng nạn nhập lậu và buôn bán động vật hoang dã vẫn chưa chặn đứng được. Nguồn lợi thu được từ việc nhập lậu và buôn bán trái phép các sản phẩm như sừng tê, ngà voi là rất lớn đã khiến bọn buôn lậu không chùn bước.

Vì vậy, thiết nghĩ với các vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, cần phải xử lý hình sự và tuyên án ở mức nghiêm khắc để ngăn chặn và giảm thiểu nạn buôn bán mặt hàng này. Chỉ thị số 03/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/2/2014 cũng đã chỉ đạo cần phải đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong mua bán, vận chuyển mẫu vật tê giác, voi và mẫu vật của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác.

Do vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, từ đó thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng với các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là các sản phẩm như ngà voi, sừng tê. Song song đó, khuyến khích hành vi sống thân thiện với môi trường tự nhiên của người dân. Có vậy mới tránh được viễn cảnh con người chỉ có thể ngắm nhìn các cá thể voi, tê giác trong vườn thú hoặc trên hình ảnh mà thôi !