Catalonia đòi độc lập - Hiệu ứng “domino” nguy hiểm

(VOH) - Việc vùng Catalonia đòi độc lập tách khỏi Tây Ban Nha đã làm “nóng” thời sự quốc tế những ngày gần đây.

Đối với Tây Ban Nha, đây là một bước đi nguy hiểm có thể đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, còn đối với nhiều quốc gia khác, chuyện vùng Catalonia có thể sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm kích thích tư tưởng đòi ly khai, độc lập và chia rẽ trên toàn thế giới.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm 10/10, Thủ hiến vùng Catalonia - ông Carles Puigdemont đã tuyên bố “vùng Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập. Nhưng không phải ngay bây giờ”. Đây được cho là một bước lùi có tính toán của người đứng đầu vùng Catalonia khi có thể làm dịu bớt áp lực từ chính quyền Trung ương Tây Ban Nha, vừa giữ được lời hứa “sẽ độc lập khỏi Tây Ban Nha” đối với người dân vùng này. Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ hiến Catalonia được ví như một “quả bom hẹn giờ” chưa biết bao giờ mới phát nổ vì người dân vùng Catalonia chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục đòi độc lập trong tương lai.

Người dân Catalonia giơ cao một lá cờ độc lập nhân "Ngày Quốc gia Catalonia". Ảnh: Reuters.

Những diễn biến leo thang xung quanh vấn đề Catalonia tuần qua được xem là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 1981, đồng thời trở thành thách thức lớn đối với Tây Ban Nha kể từ khi quốc gia này thiết lập lại chế độ quân chủ lập hiến năm 1975. Với 17 vùng khác nhau, trong đó hai vùng tự trị là xứ Basque và Catalonia, chắc chắn Tây Ban Nha sẽ khó giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ, bởi sau Catalonia, còn rất nhiều vùng khác ở Tây Ban Nha như Gacilia, quần đảo Balearic hay xứ Basque nuôi tham vọng tách khỏi Tây Ban Nha.

Không chỉ là câu chuyện riêng của “xứ sở bò tót”, Catalonia đòi độc lập còn là “quả bom hẹn giờ” đối với phong trào ly khai ở châu Âu. Ẩn sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, hướng tới nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai luôn chực chờ bùng phát. Chỉ cần một “đốm lửa”, nó có thể tạo thành hiệu ứng domino. Đó có thể là Scotland của Vương quốc Liên hiệp Anh, là đảo Corse của Pháp, hay vùng Flander nói tiếng Hà Lan của Bỉ, hay quần đảo Faroe của Đan Mạch. Thậm chí, Liên đoàn phương Bắc của Italia cũng bày tỏ muốn tổ chức trưng cầu ý kiến về quyền tự trị lớn hơn vào ngày 22/10 tới… Rõ ràng, sau những “cơn bão” từ cuộc khủng hoảng di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, “con thuyền” châu Âu giờ đây lại chòng chành trước “mầm mống” ly khai rộng khắp châu lục.

Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại ở đó. Bên ngoài biên giới châu Âu, mầm mống ly khai đang xuất hiện mạnh mẽ ở nhiều châu lục. Gần một tuần sau cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia, người dân miền Nam Brazil đã tiến hành cuộc bỏ phiếu không chính thức về khả năng có thể tách khỏi Brazil trong tương lai hay không. Với tên gọi "Miền Nam là quốc gia của tôi", một phong trào ly khai mới đang ráo riết vận động để trong năm 2018 khu vực này sẽ tách khỏi Brazil. Trong khi đó, cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vừa được tổ chức tại Khu tự trị người Kurd ở Iraq cũng đang đe dọa sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này, gây ra sự chia rẽ, mất ổn định và làm cho tình hình tại khu vực Trung Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, hỗn loạn kéo dài.

Ông Carles Puigdemont - Thống đốc vùng Catalonia. . Ảnh: Getty

Một điểm chung là, tất cả các cuộc trưng cầu ý dân ở Iraq hay Tây Ban Nha đều được coi là hành động bất hợp pháp, vi hiến, đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương ở hai nước cũng như của cộng đồng quốc tế. Những sự kiện này không chỉ đặt ra thách thức to lớn đối với chính trị, an ninh ở Iraq và Tây Ban Nha mà còn trở thành nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn định cho một khu vực rộng hơn nhiều.

Dưới góc nhìn phân tích, nếu cuộc trưng cầu dân ý ở vùng Catalonia báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu với “mầm mống” ly khai, cực hữu và dân túy chực chờ bùng phát, thì làn sóng ly khai có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột mới khi nó cuốn theo cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria cùng vào cuộc, ngăn chặn người Kurd ở toàn khu vực đòi độc lập. Ý đồ thành lập những "nhà nước riêng" ở hai vùng này sẽ dẫn tới những hệ lụy rất nghiêm trọng có thể khiến "bàn cờ" chính trị ở Iraq và Tây Ban Nha, cùng các nước và khu vực liên quan, trở nên biến động đầy phức tạp và nguy hiểm.

Rõ ràng, những gì đang diễn ra ở Catalonia (Tây Ban Nha), Iraq hay phía Nam Brazil đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế. Một lần nữa câu hỏi: Thế giới sẽ ra sao nếu chủ nghĩa ly khai tiếp tục lan nhanh như hiện nay, lại được đặt ra. Song như thường lệ, câu hỏi này tiếp tục được để ngỏ như bao thách thức khác mà toàn cầu đang phải đối mặt.