Có thể tránh được thảm họa đám đông hay không?

(VOH) - Cả Thế giới bàng hoàng khi hay tin về cái chết tập thể của gần 400 người dân Campuchia trên cây cầu Kim cương ở Phnom Penh vào tối 22/11 vừa qua.

Nguyên nhân là hàng ngàn người tranh nhau qua chiếc cầu này để trở về nhà từ sau khi lễ hội nước kết thúc, mọi người đã hoảng loạn và dẫm đạp lên nhau. Trước đó có nguồn tin một số người bị điện trang trí trên cầu giật chết, do lo sợ sập cầu, họ đã chen lấn, dẫm đạp lên nhau để tìm cách thoát thân…và thảm họa đã xảy ra. Cần nói thêm là đây không phải là lần đầu tiên con người tự đưa mình tới cái chết kinh hoàng như thế.

Chỉ tính từ đầu năm 2010 tới nay, Thế giới đã có 4 vụ tương tự tại Ấn độ, Công hòa dân chủ nhân dân Triều tiên, Cộng hòa Liên bang Đức và bây giờ là ở Campuchia. Mỗi nơi có vài chục đến hàng trăm người thiệt mạng và cả ngàn người khác bị thương. Riêng vụ chen lấn kinh hoàng ở trên 1 cây cầu tại Baghdad Irắc ngày 31/8/2005 làm chết hơn 1000 người. Nguyên nhân cũng không ngoài việc đám đông tại các cuộc lễ tôn giáo, các trận đấu bóng đá hay coi âm nhạc ngoài trời đã tự chen lấn, tìm cách thoát thân và đè lên nhau để rồi gây ra bao cái chết thương tâm không đáng có. Người ta gọi đó là những thảm họa chết người từ những đám đông. Cần nói thêm là trong các cuộc hành hương về thánh địa Mécca hàng năm của hàng triệu tín đồ Hồi giáo thì năm nào cũng có từ vài chục người trở lên bị thiệt mạng vì chen lấn và xô đẩy. Tại TP HCM, vụ cháy khu thương mại ITC Ngày 4/1/2003 làm chết 61 người cũng là 1 trường hợp như thế.

Từ những thảm họa chết người từ những đám đông như vừa kể trên, người ta đã chỉ ra các nguyên nhân chính là do các nạn nhân bị nghẹt thở, bị chèn ép quá mức, bị giẫm đạp dẫn tới tổn thương các cơ quan nội tạng hoặc gẫy xương. Một số nguyên nhân khác là thương vong do cháy nổ gây ra. Hiểu được nguyên nhân rồi thì chúng ta phải biết cách tự mình tránh xa hoặc thoát ra khỏi những hiểm nguy đang xảy đến từ những hoàn cảnh tương tự. Khuyến cáo được đưa ra là hãy tự mình kiểm soát tình huống để có những ứng xử kịp thời khi lâm sự. Thông thường đám đông dễ bị hỗn loạn là do tin đồn thất thiệt từ một sự cố nào đó. Một đồn mười và mười thành 100 và hơn thế nữa. Với phản xạ tự nhiên để giành giật sự sống, người ta rất dễ dàng chạy theo hướng đám đông đang di chuyển mà không hề biết thực hư thế nào. Lời khuyên là bạn đừng quá sợ hãi mà hãy tìm cách để thở sâu, bình tĩnh để tránh nguy cơ bị ngạt thở và nếu đã lỡ ở trong rừng người như vậy, nên cố gắng di chuyển ngang thân người để tránh bị tổn thương cơ thể. Sau đó tìm cách liên lạc với người thân hoặc những nhân viên cứu hộ gần nhất và cuối cùng là nếu bạn bị các căn bệnh về tim mạch, huyết áp hoặc cơ thể có bộ phận nào đó đang bị thương thì nên chủ động tránh xa các cuộc tập trung quá đông người. Thiết nghĩ từ sự kiện đau lòng của Campuchia và các nước, chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và biết cách làm chủ tình huống nếu bị rơi vào những hoàn cảnh tương tự.

Việt Anh