Đê bao yếu và thiếu - Còn nhiều nỗi lo

(VOH) - Năm nào cũng vậy, bước vào mùa mưa bão là người dân ở các vùng xung yếu đều lo lắng, bất an bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập, trực tiếp đe dọa tài sản và tính mạng của nhân dân. Để chủ động rà soát công tác chuẩn bị phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2012, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các quận 2, 4, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn.

Qua đợt kiểm tra cho thấy, các quận, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, ứng phó thiên tai - tìm kiếm cứu nạn khá chi tiết và sát hợp với tình hình thực tế của địa phương; trong đó, các quận, huyện đã chuẩn bị kế hoạch di dời dân tại các vị trí xung yếu và bố trí các địa điểm tạm cư an toàn giúp nhân dân tạm trú, tránh nạn khi xảy ra thiên tai. Song song đó, hầu hết các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của thiên tai.

Hiện trường vụ sạt lở xảy ra tại bờ rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM xảy ra vào năm 2011.

Tính đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 279/319 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008, 2009 và năm 2011 với chiều dài đạt 261/312 km. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả ngăn triều cho gần 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng, bảo vệ cho trên 17.000 hộ dân. Tại Quận 12, các dự án công trình này đã được triển khai khá tốt. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND Quận 12, cho biết thêm: "Quận 12 có nhiều tuyến kênh rạch đó là An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An,…Như vậy các phường này đều huy động kiểm tra trực sẵn sàng, từ tổ dân phố, khu phố rồi lực lượng quản lý đê nhân dân, có tập trung phân trách nhiệm từng đơn vị trong từng khúc của những tuyến đê để tăng cường kiểm tra, tuần tra, đặc biệt là những điểm xung yếu để xử lí khi có vấn đề xảy ra".

Ngoài các hệ thống công trình được đẩy nhanh thì sự chỉ đạo kịp thời và chủ động triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” trong phòng ngừa, ứng phó của các cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, tổ chức phòng, tránh an toàn, hiệu quả và khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP, cho biết: "Tiến độ còn chưa đáp ứng được, đề nghị các quận huyện có bờ bao xung yếu thường xuyên thông báo diễn biến triều cường và đỉnh triều để người dân biết. Ngoài ra, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP cũng đã tổ chức nhiều nhóm để đi kiểm tra các địa bàn xung yếu để theo dõi sát sao, chủ động cùng các địa phương đề ra các giải pháp phù hợp, đồng thời hỗ trợ địa phương trong việc gia cố, xử lí các điểm có nguy cơ cao".

Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều nơi triển khai thực hiện các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước vẫn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Nguyên nhân là do khó khăn trong công tác vận động các hộ dân hiến đất để đầu tư xây dựng công trình; tăng tổng mức đầu tư công trình vượt quá 15% tổng mức đầu tư được chấp thuận chủ trương phải xin lại chủ trương của UBND TP, năng lực của một số đơn vị thiết kế, thi công còn hạn chế... Có mặt tại huyện Nhà Bè, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân đã và đang sinh sống ngay trong khu vực nguy hiểm. Do đê bao yếu, dễ gây sạt lở nên nhiều hộ dân sống trong tâm trạng phập phồng lo lắng. Ông Phạm Văn Quân ở ấp 3, xã Hiệp Phước kiến nghị. "Nói chung toàn huyện Nhà Bè, khu Phước Kiểng, Nhơn Đức,…những con sông này sạt lở, hôm rồi xảy ra sạt lở 3-4 căn nhà ở Nhơn Đức rơi tõm xuống sông hết ráo. Toàn huyện Nhà Bè , nhiều khu sạt lở, chúng tôi cũng đã yêu cầu chính quyền quan tâm đề nghị cấp kinh phí để đầu tư bờ kè cho người dân ở được an tâm".

Còn chị Phạm Thị Thanh Trang một hộ dân bị sạt lở gần hết căn nhà bếp ở rạch Kinh Lộ cho biết: nhà bị sụp rất nhiều lần, tốn kém tiền của sửa chữa nhà cửa, trong khi gia đình gặp khó khăn. Còn ăn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Tám cũng bị sạt lở khiến cho nghề gói bánh truyền thống của gia đình khó khăn hơn. Toàn bộ lò nấu bánh, nhà vệ sinh sụp sâu, không còn sử dụng được. "Nhà tôi bị sạt lở 3 lần kinh phí sửa chữa thiệt hại hết 40 triệu. Mong các cấp chính quyền hỗ trợ xây bờ kè để mùa mưa này người dân an tâm ổn định cuộc sống" - chị Trang nói.

Có thể nói, thời gian qua, số lượng các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước đã được đầu tư cho các địa phương ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vị trí xung yếu nhưng chưa được đầu tư, kinh phí duy tu của địa phương. Vì vậy cần thiết phải đẩy nhanh việc duy tu, sửa chữa, gia cố hệ thống bờ bao thường xuyên để giúp công trình ổn định và phát huy hiệu quả lâu dài. Mặt khác, giải pháp trước mắt là với có các vị trí có nguy cơ sạt lở cần tăng cường kiểm tra, cảnh báo người dân, đặc biệt là trong thời gian chân triều rút sâu, kịp thời di dời các hộ dân trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Có như vậy thì công tác phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 mới đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.