Dự án “phố trên sông” và những điều cần suy ngẫm

(VOH) - Những nhận định mà Cục Quản lý Tài nguyên Nước vừa đưa ra trong cuộc họp báo mới đây cho thấy dự án “ Phố trên sông” tại Đồng Nai có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chưa đủ cơ sở để tiến hành, đã phần nào minh chứng cho lo ngại của các chuyên gia và dư luận là có cơ sở.

Ảnh chụp từ Google earth

Nhận định mà đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức đã phần nào giải tỏa được những bức xúc của các chuyên gia và dư luận. Đồng thời, góp phần khẳng định những lo lắng về hậu quả khó lường mà dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gây ra cho xã hội là có cơ sở.

Tuy nhiên, những nhận định này cũng dấy lên lo ngại cho sự phát triển bền vững của đô thị hiện nay, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Bởi, không chỉ dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, báo cáo đánh giá tác động đến môi trường của nó cũng chỉ ở mức sơ bộ, chưa đủ cơ sở để được chấp thuận.

Vậy vì sao một dự án quy mô lấn sông đến 7,7ha, chiếm tới gần 92% diện tích tổng thể, lại được phê duyệt và triển khai dễ dàng trong khi những số liệu lại hết sức giản đơn ?!

Luật Tài nguyên nước năm 2012, văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước ở nước ta, đã quy định: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính”. Như vậy, việc quản lý tài nguyên nước theo địa bàn hành chính chỉ là 1 trong nhiều yếu tố, chứ không thể là yếu tố quyết định.

Các chuyên gia cũng nhận định, thẩm quyền phê duyệt dự án này thuộc Thủ tướng Chính phủ, vậy mà chính quyền địa phương lại đặt bút ký một cách dễ dãi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vô tư tiến hành san lấp sông. Và ngay cả việc tổ chức gặp dân – những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án - cũng được tiến hành quá chậm trễ. Mãi đến khi trên 60% khối lượng đất đá cần lấp đã được đổ xuống dòng sông, khi dư luận lên tiếng, Chính phủ chỉ đạo làm rõ và các ban ngành vào cuộc thì việc này mới được dừng lại để xem xét.

Việc chỉ dựa trên những đánh giá thiếu khách quan và thậm chí là mơ hồ của chủ đầu tư rằng “dự án không tác động xấu tới sự thay đổi dòng chảy của dòng sông” để nhanh chóng thông qua dự án cho thấy sự thiếu trách nhiệm, đi kèm với sự lỏng lẻo trong quản lý của địa phương.

Thứ đến là ý thức của chủ đầu tư về phát triển kinh tế bền vững còn hạn chế, đặt lợi ích ngắn hạn lên hàng đầu mà xem nhẹ môi trường, xem nhẹ cuộc sống của người dân xung quanh. Sông Đồng Nai từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Vậy mà việc tham vấn các bên liên quan và người dân địa phương chỉ diễn ra một cách sơ sài chiếu lệ. Thậm chí 11 địa phương trên lưu vực sông và Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng chưa được lấy ý kiến.

Quan trọng nữa, là tiếng nói của các chuyên gia, các nhà khoa học đã bị xem nhẹ ngay từ việc tham vấn ban đầu, chỉ đến khi họ phản ứng gay gắt, thì mọi việc mới tạm dừng lại.

Bên cạnh đó, cần xem lại mục đích thật sự của dự án này có phải như tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư Toàn Thịnh Phát giải trình là: nhằm cải tạo cảnh quan, đảm bảo dân sinh, rằng việc lấn sông là để hạn chế giải tỏa, là lo cho dân hay không. Bởi nếu nghĩ cho dân thì ngay từ đầu địa phương và nhà đầu tư lại càng phải xem xét kỹ lưỡng khía cạnh ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của dự án.

Nếu dự án hoàn thành và đời sống của hàng chục triệu người dân hiện tại cũng như thế hệ con cháu trong tương lai chịu ảnh hưởng xấu thì chẳng phải mục đích và việc thực hiện dự án đang mâu thuẫn với nhau hay sao ?

Sông Đồng Nai nhìn từ trên cao. (ảnh: TNO)

Thực tế, dự án chủ yếu là xây dựng đô thị, nhà ở trên sông, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... liệu nhà đầu tư có thật sự đặt lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận ? Như vậy, trong khi hậu quả nặng nề của việc “lấn dòng cải tạo cảnh quan” trên sông Đồng Nai đã hiện ra trước mắt thì cái lợi thực sự của dự án vẫn còn nhiều điều cần bàn.

TPHCM cũng vừa chính thức đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tác động môi trường của dự án “Phố trên sông” đến các khu vực vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Trong đó, nhấn mạnh, việc lấn sông có thể làm thay đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho TPHCM nói riêng và môi trường khu vực hạ lưu nói chung. Chưa nói, báo cáo tác động đến môi trường của dự án “Phố trên sông” thậm chí còn chưa đề cập đến trường hợp lũ lớn kết hợp với triều cường và việc xả lũ hồ chứa từ thượng nguồn, chưa xem xét tính ổn định của lòng đất trên toàn tuyến sông. Bên cạnh đó, khi diện tích lấn sông quá lớn, không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cảnh quan mà độ an toàn nền móng của công trình cũng chẳng ai đảm bảo được.

Nhiều chuyên gia khi đề cập đến dự án lấn sông Đồng Nai đã cho rằng, cần xóa sổ dự án vì đe dọa xói lở Cù Lao Phố, cản trở thoát lũ và tạo tiền lệ xấu cho việc lấn sông. Ý kiến này cần được ghi nhận, tuy nhiên cũng cần có một tổ độc lập giám định, nghiên cứu, thẩm tra kỹ lưỡng, xem xét tác động của dự án đến môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước một cách khoa học và nghiêm túc.

Tới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này sau 2 tháng phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án. Dư luận kỳ vọng Chính phủ sẽ xử lý nghiêm minh, trả lại nguyên trạng của dòng Đồng Nai như nó đã từng có. Từ bài học xây phố trên sông ở Đồng Nai, rất cần một tầm nhìn cho quá trình phát triển bền vững tài nguyên nước ở nước ta, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý, cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức của cả cộng đồng trong đó có các doanh nghiệp về giá trị của tài nguyên nước và việc bảo vệ dòng chảy vì tương lai của thế hệ mai sau. 

Dự án “Phố trên sông” được tỉnh Đồng Nai phê duyệt và Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công hồi tháng 9 năm 2014 đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận bởi quy mô san lấp sông lên đến 7,7ha.