Hè về - khát phim Việt dành cho thiếu nhi

(VOH) - Mùa hè đến là thời điểm các em thiếu nhi trông chờ những bộ phim dành riêng cho lứa tuổi mình. Nhu cầu nhiều nhưng dường như các nhà làm phim Việt lại chưa mặn mà lắm với thể loại phim dành cho đối tượng này.

Năm nay, danh mục phim hè Việt Nam cho thiếu nhi khá ít ỏi so với nhu cầu. Một bộ phim đã trở nên quen thuộc với khán giản Việt Nam đã được các nhà đài chọn lựa như một giải pháp an toàn và tình thế mỗi khi dịp hè về là “Tây du ký”. Câu chuyện về bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh tiếp tục được các đài ưu ái phát sóng vào giờ “vàng” thiếu nhi vào hè năm nay, VTV1 phát vào 17h chiều, trong khi VTC1 phát lúc 12h các ngày trong tuần, kể từ đầu tháng 6. Việc “Tây du ký” được các nhà đài chọn lựa phát sóng mỗi khi hè về đã đặt ra một vấn đề liệu có phải các nhà đài thiếu phim Việt dành cho trẻ em?

Một điều dễ nhận thấy hiện nay là các hãng phim tư nhân ra đời rất nhiều nhưng lượng phim dành cho thiếu nhi lại không tỉ lệ thuận với số lượng hãng phim. Họ, những nhà làm phim thường tập trung khai thác những chuyện nóng bỏng của người lớn và tránh xa lĩnh vực dành cho các em. Rõ ràng ai cũng nhận thấy nhu cầu phim thiếu nhi là rất lớn nhưng dường như không nhiều người có can đảm bắt tay vào thị phần này. Hiện tại, có thể thấy TFS là đơn vị sản xuất phim thiếu nhi nhiều nhất hiện nay với những bộ phim đã tạo nên thương hiệu như “Kính Vạn hoa”, “Ngũ Quái Sài Gòn”,… và được các đài chọn chiếu đi chiếu lại vào dịp hè.

Đạo diễn Bùi Quốc Bảo nhận xét về vấn đề này, ông nói :

Rõ ràng, không phải chỉ có phim ảnh mà các bộ môn nghệ thuật còn lại trong nước dành cho thiếu nhi hiện nay cũng không được sự quan tâm đúng mức.

Mỗi dịp nghỉ hè, trẻ em Việt Nam lại phải lựa chọn các bộ phim thiếu nhi của nước ngoài tràn ngập trên các kênh truyền hình cáp khi phim trong nước dành cho lứa tuổi các em quá khan hiếm. Những cái tên quen thuộc như: “Hannah Montana”, “High School Musical”, “The Suite Life of Zack & Cody”, “The Wizard of Waverly place”... trên kênh truyền hình Disney đã trở nên quen thuộc với hầu hết khán giả teen ở các thành phố lớn. Còn các em thiếu nhi ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì đành chấp nhận sự quanh quẩn của những bộ phim Việt đã cũ như “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Kính Vạn Hoa” v.v... xem đến ... ngán ngẩm nhưng lại chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Làm phim cho thiếu nhi, điều khó đầu tiên là từ khâu kịch bản. Trong những câu chuyện viết ra cho thiếu nhi chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều ý nghĩ, câu nói của người lớn. Với tư duy người lớn, các nhà biên kịch thường tư duy theo lối mòn giáo dục, các đề tài dành cho các em chỉ quẩn quanh với những đề tài đơn điệu người tốt - việc tốt; hay motip người xấu được cảm hóa, giác ngộ thành người tốt ,… Các tác giả, đôi khi đã không thực sự lắng nghe, thấu hiểu xem trẻ em muốn gì mà cứ sáng tác theo một thói quen cố hữu thay vì nhọc công tìm tòi, thể hiện những cảm xúc đa chiều, nhiều màu sắc của thế giới trẻ thơ. Đạo diễn Bùi Quốc Bảo, người đang tíên hành làm bộ phim viễn tưởng “Ngôi đền cổ tích”, bộ phim nói về ước mơ của các em nhỏ khi đứng trước áp lực của việc học hành đồng thời cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khi cứ ép con cái mình làm những điều quá sức với chúng, đã có nhận xét về việc làm phim đề tài thiếu nhi :

Sở dĩ cuộc hành trình của 4 thấy trò Đường Tăng luôn tạo được sức hút với các em thiếu nhi bởi câu chuyện trên phim rất gần với tư duy của trẻ, lứa tuổi si mê thế giới cổ tích. Trong khi đó, số lượng phim Việt Nam dành cho các em chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chất lượng lại không như mong đợi là vì bên cạnh những lý do chủ quan như khan hiếm kịch bản hay, kinh phí thấp còn vì thói quen nói bằng cách nói người lớn trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Nhìn lại những bộ phim của Việt Nam dành cho thiếu nhi được trình chiếu trong thời gian gần đây như "U14 trong mơ", "Đội đặc nhiệm nhà C21" và gần đây nhất là bộ phim dành cho tuổi teen “Những thiên thần áo trắng”... thì quả thực các diễn viên nhí của chúng ta nói như những ông, bà cụ non với âm điệu quá khô cứng, nghe có cảm giác như các em đang học thuộc lòng một đoạn văn với giọng đọc vô cảm. Chính điều này đã tạo cho khán giả nhí cảm giác như đang nghe giảng những bài học đạo đức khô khan, tẻ nhạt, xa lạ với thế giới của các em.

Có nhiều lí do để nói về việc khan hiếm phim thiếu nhi Việt, nhưng, có một lý do quan trong mà hầu như những ai khi bắt tay làm phim thiếu nhi cũng băn khoăn e ngại đó là làm phim cho thiếu nhi quá khó trong khi đem lại lợi nhuận ít, chậm nên chẳng mấy ai quan tâm.

Để làm phim thiếu nhi tốt, các nhà đạo diễn cần có điều gì, anh Bùi Quốc Bảo cũng chia sẻ suy nghĩ của mình :

Mong rằng trong thời gian tới, các nhà làm phim sẽ tìm ra hướng đi cho dòng phim thiếu nhi để các em có thể đón chờ những bộ phim phù hợp với lứa tuổi của mình, để phim thiếu nhi sớm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: tác phẩm dở - lỗ vốn - đầu tư ít - tác phẩm dở... và cũng hy vọng sẽ có một bộ phim Việt Nam để các em mong chờ được xem như “Tây du ký” của nền điện ảnh Trung Quốc.

Minh Ngọc