Không để doanh nghiệp chờ thêm!

(VOH) - Theo công bố của ngân hàng nhà nước thì một lộ trình giảm lãi suất huy động đã được đặt ra, mỗi quý thì lãi suất huy động giảm 1% một năm, tuy nhiên lộ trình giảm lãi suất đầu ra được doanh nghiệp rất quan tâm lại chưa hề được đề cập một cách cụ thể. Chưa có gì đảm bảo là khi lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất đầu ra sẽ được giảm hợp lý, và cũng chưa có gì đảm bảo là các ngân thương mại được huy động vốn với lãi suất thấp hơn nhưng chưa vội giảm lãi suất cho vay ngay, vì cho đến nay thì họ vẫn chưa chịu một áp lực đủ lớn để hạ lãi suất cho vay này.

Thực ra biện pháp áp trần đầu vào hay áp trần đầu ra vẫn chỉ là biện pháp hành chính, vấn đề ở đây là áp trần đầu nào ? chủ yếu xuất phát từ mục tiêu mình đặt ra, là làm sao giảm nhanh lãi suất xuống để cho doanh nghiệp tiếp cận được, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tức là hướng đến ích lợi cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp. Rõ ràng khi áp trần lãi suất thì nên áp trần đầu ra, còn trong bối cảnh hiện nay thì khi áp trần đầu vào thì chúng ta không nên kỳ vọng tiếp tục áp trần đầu ra nữa. Và đối với ngân hàng nhà nước, khi cơ hội đã đến thì làm sao để tháo trần đầu vào này để làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trở lại bình thường.

Hạ lãi suất ở thời điểm này nhìn chung là khá hợp lý, khi kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, tỉ giá hối đoái cũng ổn định trong vài tháng qua, áp lực lạm phát không còn căng thẳng nữa, ngân hàng nhà nước đã triển khai các bước cải thiện có điều kiện của hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng giải quyết những vấn đề của họ, tất cả các điều kiện này đưa ra kết luận rằng, đây là thời điểm cần thiết để hạ lãi suất. hiện tại ngân hàng nhà nước đang giải quyết các vấn đề của NH, còn các ngân hàng thì vẫn đang thận trọng với lãi suất cho vay ngay cả khi đã hạ trần lãi suất. Sẽ mất một khoảng thời gian nữa để trần lãi suất thực sự chuyển hoá thành những khoản cho vay với lãi suất thấp.

Trong khi doanh nghiệp chờ đợi nguồn tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng, thì ngân hàng nhà nước vẫn thận trọng và cho rằng “ nếu các điều kiện thị trường cho phép”. Điều này có nghĩa ngân hàng nhà nước vẫn sát sao với các diễn biến của kinh tế vĩ mô, tức là niềm tin vào tiền đồng có mạnh lên hay không, tỉ giá hối đoái có giữ được ổn định hay không, kì vọng lạm phát có hạ xuống hay không và một điều quan trọng nữa là tình hình tài chính của các ngân hàng có được cải thiện không….Tất cả những điều này sẽ quyết định cho việc hạ lãi suất tiếp theo trong thời gian tới.

Xem ra việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng thương mại vẫn còn phải chờ đợi trong một thời gian nữa, khi tính thanh khoản giữa các ngân hàng được nâng cao và một số chỉ tiêu trong điều hành kinh tế được ổn định, may ra doanh nghiệp mới được tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ như mong đợi.