Kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi - phải làm ngay từ gốc

(VOH) - Thời gian gần đây, những thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có những tác động nhiều đến đời sống kinh tế và xã hội. Người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo. Người chăn nuôi khó khăn trong xuất bán heo, giá heo hơi giảm dưới giá thành gây thua lỗ cho người chăn nuôi. Các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đã vào cuộc, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ-Ngành liên quan, có giải pháp chấm dứt tình trạng sử dụng hoá chất cấm trong chăn nuôi nhằm khôi phục lòng tin người tiêu dùng thông qua việc bảo đảm thịt heo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải quyết ở phần ngọn mà điều cần thiết là phải xử lý tận gốc tình trạng này.
Câu hỏi, con đường để hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vào nước ta từ đâu, không khó trả lời. Bởi những sản phẩm thành phẩm hoặc ở dạng nguyên liệu của nhóm bêta agonists, còn gọi chất tạo nạc đã bị ngành nông nghiệp nước ta đưa vào danh mục cấm sử dụng. Sản phẩm nhóm bêta này không thể công khai mà chỉ có thể lén lút vào lãnh thổ Việt Nam bằng đường bộ hoặc đường biển, kể cả qua những đường mòn, lối tắt, băng ruộng, băng đồng…v…v. Tại những địa phương có đường biên giới thường đặt cửa khẩu để quản lý hàng hoá xuất nhập cảnh. Đây là nơi dễ kiểm soát ngay từ gốc các hoá chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đối với những nơi đi bằng đường tắt, không qua cửa khẩu, các sản phẩm, hàng hoá cũng được tập kết lại ở những đại lý trước khi phân phối, vận chuyển sâu vào nội địa. Đối với các điểm tập kết, đại lý này, chính quyền và các cơ quan hữu quan như thuế, quản lý thị trường, đội liên ngành ở từng địa phương hầu hết đều nắm được. 

Nếu kiểm soát chặt chẽ ở các cửa khẩu, các điểm tập kết hàng, có lẽ ngành nông nghiệp, nhiều địa phương, nhiều nhà chăn nuôi và người tiêu dùng không bị “mệt mỏi” như bây giờ. Bởi vì, lấy mẫu thịt, nước tiểu, thức ăn gia súc để kiểm tra tồn dư chất cấm sử dụng là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay. Nhưng rõ ràng công việc kiểm tra trên 60 tỉnh, thành phố là quá khó khăn, phức tạp. Hiện nay công việc quản lý, kiểm soát hoá chất bêta agonists này được nhiều người ví như là chuyện “thả gà ra đuổi” vậy.

 
 Các giải pháp để xử lý tận gốc vấn đề hoá chất cấm trong chăn nuôi không phải quá khó khăn. Các địa phương có biên giới tăng cường kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nguyên liệu thuốc dùng cho y tế, cho thú y và thức ăn chăn nuôi không chỉ ở cửa khẩu mà ngay tại cả các điểm tập kết hàng hoá. Lực lượng chức năng cần được tăng cường nhân sự biết ngoại ngữ phù hợp với khu vực hoạt động. Tại các địa phương trong cả nước, tiếp tục định kỳ lấy mẫu kiểm tra ở các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, kiểm tra, giám sát các trang trại, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thức ăn tự trộn, lò giết mổ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hy vọng, trong một thời gian ngắn, nước ta có thể thực hiện tốt việc cung cấp sản phẩm động vật nói chung và thịt heo nói riêng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn.