Kiện Vedan để hạn chế không còn nạn gây ô nhiễm môi trường

(VOH) - Giờ thì Ban lãnh đạo công ty Cổ phần Vedan đã biết họ đang đối mặt với điều gì.

Khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định quan điểm “sẽ theo vụ việc đến cùng” tại cuộc họp ngày 28/07, điều này đã tạo ra một đợt sóng mạnh mẽ hơn rất nhiều cho cuộc đấu tranh của nông dân đòi quyền lợi chính đáng trước thái độ lập lờ, thiếu trách nhiệm của công ty Vedan.

Hàng ngàn đơn kiện được đồng loạt gởi ra tòa ngay trong tuần qua cho thấy sức ảnh hưởng từ quan điểm dứt khoát và cứng rắn của Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Tại tỉnh Đồng Nai, 8 Văn phòng luật sư lên tiếng sẽ tham gia hỗ trợ nông dân với khoảng 100 luật sư bảo đảm khâu thủ tục được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Trước sức ép ngày càng lớn hơn và nguy cơ ra tòa đã hiển hiện, công ty Cổ phần Vedan đã có văn bản gởi Bộ Tài nguyên – Môi trường về tổng số tiền đền bù là 130 tỉ đồng – gấp 5 lần so với ban đầu. Nhưng có thể thấy con số này không đủ để cứu vãn tình hình vì chỉ riêng TPHCM, số tiền bồi thường thiệt hại khi ra tòa đã hơn 100 tỉ đồng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến thời điểm này đã nhận hơn 1200 đơn kiện từ bà con nông dân. Các vòng đàm phán gần 2 năm qua rõ ràng không đem lại kết quả nào.

Công ty Vedan hồi năm 2008 bị phát hiện xả chui hơn 100.000 m3 nước thải độc ra sông Thị Vải mỗi tháng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu – đại diện cho nông dân huyện Cần Giờ nhận định, không chỉ kiện một lần mà về sau, nếu chất xả thải của Vedan còn tiếp tục để lại những di chứng khác thì vẫn có thể tiếp tục kiện ra tòa. Luật sư Hậu dẫn chứng vụ tràn dầu ở Mỹ mới đây, tập đoàn dầu khí BP tiếp tục chi khoản bồi thường hơn 4 tỷ USD sau khi đã phải bỏ ra khoảng 20 tỷ USD trước đó-nguyên nhân do những phát hiện mới về thiệt hại từ vụ tràn dầu gây ra.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, chiều ngày 29/07, UBND TPHCM đã họp bàn về vấn đề bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Theo ý kiến của nhiều sở, ngành thì nguồn nước mặn tại lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hiện đang trong tình trạng đáng báo động, nhiều chỉ tiêu vượt mức cho phép từ 1,5 đến 5 lần và tình trạng xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra. Trước tình hình này, chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai là vấn đề sống còn của TP và phải có kế hoạch thực hiện lâu dài, theo từng giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020.

Có thể thấy, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân kiện công ty Vedan, lãnh đạo chính quyền TPHCM nhận thức rõ nhiệm vụ lâu dài và bắt buộc là phải bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.

Thời gian gần đây, trải dài từ Bình Phước đến TPHCM, tỉnh Hậu Giang đến TP Cần Thơ, hàng loạt vụ xả thải trái phép bị phát hiện và chính quyền địa phương đều mạnh tay xử lý. Điều này tạo ra xu hướng tích cực khi toàn xã hội đang ra sức tẩy chay hành vi xả thải trái phép của các doanh nghiệp.

Trở lại với vụ việc liên quan đến công ty Vedan, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên tin tưởng rằng “sẽ chắc thắng, chỉ sợ không sử dụng hết bằng chứng hiện có”.

Hy vọng, ý kiến của người đứng đầu ngành Tài nguyên-Môi trường sớm trở thành hiện thực, bởi khi đó, cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của nông dân sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Và quan trọng hơn, đây là bài học răn đe cho những doanh nghiệp có ý định làm trái pháp luật để kiếm lợi nhuận bất chính.

Lê Nguyễn