Lãng phí và nợ công từ những công trình ngàn tỷ

(VOH) – Trong phiên điều trần trước Quốc hội về bội chi ngân sách, nợ công tăng, đầu tư công lãng phí... nghị trường chưa bớt nóng bởi những con số đáng lo ngại thì ngay sau đó, báo chí đưa tin một nhà máy thép được đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng trong nhiều năm giờ đang trở thành đống sắt gỉ. Rồi.. tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân hơn 1000 tỷ nay hoạt động không đáng kể.

Nghe toàn văn bài viết:

Trước đó, các công trình Bảo tàng Hà nội hơn 2.300 tỷ, công viên Hòa bình chục ngàn tỷ và nhiều, rất nhiều công trình bạc tỷ khác cũng chẳng sử dụng được. Liệu có ai giật mình khi nghe đến con số này ? Chắc chắn là có. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về việc “ném tiền qua cửa sổ”. Bởi phải thừa nhận rằng, việc lãng phí trăm tỉ, ngàn tỉ, chục ngàn tỷ và có thể hơn thế nữa qua những công trình không hiệu quả.. không phải chuyện gì mới mẻ ! 

Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: Petrotimes.

Đã có những công trình “mù mịt tương lai” nhưng bằng mọi cách dự án phải được chấp thuận, động thổ hoành tráng, khai trương long trọng, để rồi sau đó phó mặc tự nhiên hay khai thác không hiệu quả. Thực trạng này phổ biến tới mức một đại biểu Quốc hội phải thốt lên trong ngày thảo luận ngân sách “nếu coi tham nhũng là giặc thì lãng phí phải là kẻ thù”. Để lãng phí và thất thoát ngân sách là có tội với dân với nước.

Trong khi Chính phủ đang loay hoay và đau đầu với nợ công, bội chi ngân sách... thì chính quyền ở một số địa phương đua nhau xin xây khu trung tâm hành chính, mỗi nơi hàng ngàn tỷ đồng. Trong tình cảnh hiện nay, chắc hẳn là dân chúng không cần xây những dự án lớn, những khu hành chính to, đẹp, ngàn tỉ đồng ... sau đó lại bỏ không hoặc sử dụng không hết công năng.

Cái mà dân cần, đơn giản chỉ là những công trình phúc lợi xã hội, là những tuyến giao thông trọng yếu, những cây cầu, trường học, bệnh viện... Còn các dự án trọng yếu để phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì rất cần phải có sự tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Đã làm là phải hiệu quả, phải góp phần để nước mạnh, dân giàu.

Nguyên nhân sâu xa tồn tại lãng phí các dự án này là do cơ chế “xin, cho” quá dễ dãi, có dự án để phân bổ ngân sách đều khắp các địa phương. Vì thế, địa phương cứ làm mà không tính đến công năng và nhu cầu của dân chúng. Cần nói thêm, các dự án gây lãng phí bạc tỷ đều chủ yếu từ nguồn vốn vay và vốn đối ứng. Điều này đồng nghĩa với gánh nặng nợ nần ngày một chồng chất.

Trong hội thảo tái cơ cấu đầu tư công tránh lãng phí, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế VN đưa ra khái niệm về “chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ”. Nghĩa là trong nhiệm kỳ phải làm được việc gì đó, phải chứng minh mình có ích bằng một hay một số dự án nào đó. Thành ra rất cần một mục tiêu chính đáng, đủ mạnh để lấn át tư duy nhiệm kỳ hay chủ nghĩa thành tích. Nói như vậy để cho những người trách nhiệm thấy mình cần phải làm gì, làm cho ai và làm như thế nào để tránh lãng phí ngân sách nhà nước, mồ hôi công sức của nhân dân.

Quốc hội khóa 13 gần đi hết nhiệm kỳ. Lãng phí trong đầu tư công, nợ công, ngân sách cạn kiệt được cảnh báo và bàn luận tới nhiều. Rồi đây thực trạng đáng quan ngại này có giải quyết rốt ráo không, có ngăn chặn được không, còn tùy thuộc vào công tác điều hành và giám sát của các cơ quan Trung ương. Đất nước cần phải thoát ra khỏi nợ nần bất hợp lý để phát triển.