Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở biển Đông vi phạm chủ quyển Việt Nam, vi phạm Cam kết ứng xử biển Đông

(VOH) - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực kể từ ngày 16-5 đến 1-8-2010 tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ tàu đánh bắt cá và ngư dân đang hoạt động bình thường ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư trường truyền thống vốn có mấy trăm năm nay của ngư dân các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định.

Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali. Với lệnh cấm bắt cá mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa mới ban hành là một hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với các quan hệ hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây nguy hại đến tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam.

Để lấy cớ bắt giữ tàu đánh bắt cá của Việt Nam đòi tiền chuộc, một số địa phương của Trung Quốc ở vùng mà họ chiếm giữ bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, đã không từ thủ đoạn hèn mạt nào, “gấp lửa bỏ tay người”, đã đưa xuống các tàu đánh bắt cá của Việt Nam bị họ bắt giữ những bao được cho là chất nổ trong kho của họ để quay phim, chụp ảnh, ép buộc ngư dân Việt Nam chép lại và ký tên vào biên bản soạn sẵn, để làm cơ sở pháp lý cho rằng ngư dân Việt Nam vi phạm luật pháp của họ. Phản ứng trước hành động sai trái liên tục của phía Trung Quốc, bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao nước ta nhấn mạnh : “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các chủ quyền và quyền tài phán đối với đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo công ước của LHQ về luật biển năm 1982. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, do đó hoàn toàn vô giá trị. Phía Việt Nam tiến hành giao thiệp ngoại giao, phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc”.

Việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông còn là sự vi phạm cam kết ứng xử biển Đông mà Trung Quốc đã ký kết. Cách đây hơn 1 tháng, tại Hội nghị cấp cao Asean những nhà lãnh đạo Asean và Trung Quốc đồng lòng khẳng định vấn đề duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn trên biển Đông là lợi ích chung , là mối quan tâm của các nước Asean cũng như các nước trong khu vực. Do đó cần phải thể chế hóa quy tắc ứng xử biển Đông. Các nước Asean và Trung Quốc khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ tuyên bố về ứng xử biển Đông do Hội nghị cấp cao Asean đưa ra. Trong đó, có nội dung các bên tránh hành động mang tính khiêu khích trong khu vực đang có tranh chấp. Việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông và tăng cường tàu Ngư chính 311 có trang thiết bị như tàu Khu trục của Hải quân, ngoài việc vi phạm vùng lãnh hải của Việt Nam còn vi phạm cam kết ứng xử biển Đông mà họ mới vừa ký cách đây hơn 1 tháng.

Song song với việc giao thiệp ngoại giao phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân Việt Nam tiến hành các hoạt động đánh bắt cá bình thường trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có thiện chí, các nước Asean có thiện chí, Trung Quốc cũng có thiện chí, hãy biến thiện chí bằng hành động cụ thể vì lợi ích chung của khu vực, biến biển Đông trở thành vùng biển hòa bình hữu nghị, thông qua quy tắc ứng xử biển Đông.

Hữu Quan