Lỗ hổng trong khu vực y tế tư nhân

(VOH) Trong xu thế xã hội hóa y tế, những năm qua, các cơ sở y tế tư nhân mở ra ngày một nhiều và đã góp phần không nhỏ vào việc khám chữa bệnh cho người dân và đặc biệt là giảm đáng kể tình trạng quá tải trong hệ thống y tế của thành phố và cả nước.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 70.000 cơ sở y tế tư nhân và tại TPHCM đã có khoảng 14.000 cơ sở. Có thể nói hầu hết các cơ sở y tế này mở ra là vì mục đích lợi nhuận. Điều này là dễ hiểu và trên thực tế có không ít những cơ sở y tế hoạt động khá chuẩn mực, ổn định và có y đức.


Ngành y tế có không ít phương tiện chẩn đoán hiện đại từ nguồn vốn XHH Y tế. Ảnh minh họa

Song bên cạnh đó là tình trạng hoạt động bất ổn của mạng lưới y tế tư nhân xảy ra tại nhiều tỉnh - thành cho thấy, khâu quản lý, thanh kiểm tra là chưa sâu sát và không chặt chẽ. Đó là việc đầu tư trang thiết bị không đồng đều, tay nghề của đội ngũ nhân viên y tế chưa cao… đã dẫn tới kết quả khám chữa bệnh thiếu chuẩn xác và làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ngành.

Vài năm trở lại đây, xã hội hóa y tế lại có sự góp mặt của các bệnh viện tư, tiêu chuẩn cao và các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài cũng làm cho môi trường xã hội hóa y tế thêm phong phú và vì thế người dân có nhiều lựa chọn hơn cho mình.

Cũng cần nói rõ là trong thời gian qua, đã có những bệnh viện đa khoa chất lượng cao của tư nhân đã và đang hoạt động tốt, mang lại niềm tin cho người bệnh.

Tuy nhiên, cũng có một số bệnh viện thuộc loại này đã thuyên giảm uy tín rất nhanh chỉ sau một thời gian khánh thành. Chẳng hạn như có bệnh viện sau khi khám tổng quát cho công ty nọ đã đưa ra kết quả 5 nhân viên bị nhiễm siêu vi B khiến họ có nguy cơ mất việc. Còn các chẩn đoán sai bệnh tình để rồi đưa ra phác đồ điều trị không phù hợp, gây tai biến, là chuyện không hiếm gặp… đã khiến bệnh nhân xa lánh bởi câu tiền mất nhiều mà tật vẫn mang.

Đại diện phòng khám Trung Nam ký vào biên bản thanh tra - Ảnh: TN

Gần đây, nổi lên thực trạng hàng loạt phòng khám nước ngoài của người Trung Quốc tại TPHCM như Đầm Sen, Trung Nam, Huê Hạ… chữa bệnh giá trên trời, gây nguy hại tới tính mạng bệnh nhân do cách khám và làm xét nghiệm quá sơ sài, lại can thiệp quá mức cần thiết, hay như Phòng khám Maria tại Hà Nội từng làm tử vong một phụ nữ sau khi truyền dịch. Cả những bệnh viện đình đám như FV cũng đã mắc phải những sai lầm chết người, mà lẽ ra nếu cẩn trọng và có trách nhiệm sẽ hoàn toàn tránh được. Rõ ràng là đã có những l

hổng không nhỏ trong mạng lưới y tế ngoài công lập.

Trước mắt những điều tiếng không hay kể trên đã làm cho các cơ sở y tế này phải lao đao và bệnh nhân là người lãnh đủ, vậy nhưng, việc cần làm chính là phải chỉ ra được nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Đã nhiều lần người ta nói đến việc quản lý nhân sự - đội ngũ nhân viên y tế của những cơ sở này, bởi không ít các bác sĩ, nhân viên không được đăng ký hành nghề và có khi chỉ đứng tên trong danh sách và tay nghề của họ cũng không thực sự xuất sắc như đã từng được giới thiệu. Về phía ngành chủ quản là Sở Y tế cũng có trách nhiệm trong việc cấp phép và thanh kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế tư.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Ủy Ban các vấn đề văn hóa xã hội của Quốc hội thì cả nước hiện chỉ có từ 200 tới 300 cán bộ thanh tra y tế và như vậy thì không thể kiểm soát nổi hoạt động của trên 70.000 cơ sở y tế ngoài công lập là điều đương nhiên.

Một vấn đề nữa được đặt ra là vai trò của truyền thông khi nhận đăng tải nội dung quảng cáo của các phòng khám có yếu tố nước ngoài và bệnh viện tư. Rất cần sự phối hợp kiểm duyệt của ngành y tế và cơ quan báo chí về thực chất và khả năng chữa trị của những cơ sở này khi nhận quảng cáo cho họ. Đã có nhiều bệnh nhân ở xa vì quá tin tưởng vào hình ảnh và nội dung quảng cáo về khám chữa bệnh với những lời lẽ dễ làm mềm lòng người đang gặp bệnh nan y. Vậy là dù có tốn kém đến mấy họ cũng ráng thu xếp để mong lành bệnh…

Tóm lại, dù có vì lý do gì đi nữa, một khi đã để xảy ra hậu quả xấu - do bất cẩn và yếu kém, thiết nghĩ ngành chức năng cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh ngay hoạt động của các cơ sở y tế này. Công bằng mà nói thì trong nhiều năm qua, chủ trương xã hội hóa y tế đã mang lại nhiều lợi ích cho Nước nhà, song nếu không có sự quản lý và giám sát chặt chẽ mạng lưới y tế tư, e rằng sẽ vẫn còn nhiều bất cập và hậu quả đáng lo ngại trong việc tham gia khám chữa bệnh cho người dân.