Những quyết định kịp thời

(VOH) - Khi một quốc gia có số lượng nhập siêu quá lớn từ các nền kinh tế khác cho thấy dấu hiệu mất kiểm soát kinh tế trong nước, có nghĩa là cán cân thương mại đã mất cân bằng.

Để kiểm soát tình trạng này, một số quốc gia tìm giải pháp cho tăng tỷ giá đồng nội tệ để cứu vãn, nhưng đây chính là “con dao hai lưỡi” nếu điều chỉnh không hợp lí sẽ dẫn tới bất ổn kinh tế.

Điển hình một số quốc gia chập chững bước vào cuộc chơi của nền kinh tế thế giới, như Zimbabwe, đã có thời điểm rơi vào siêu lạm phát (từ năm 2006 đến 2009) do chính phủ nước này tăng tỷ giá đồng nội tệ quá cao để chống lại vấn đề nhập siêu từ các nền kinh tế khác, tới mức 300 tỷ Zimbabwe chỉ có thể mua một ổ bánh mì hay 100 tỷ Zimbabwe chỉ mua được ba quả trứng gà… Kết cục họ phải từ bỏ đồng nội tệ và buộc phải gắn chặt nền kinh tế của mình với chính sách tiền tệ của Mỹ.

Ảnh minh họa: tinnhanhchungkhoan

Đứng trước động thái “phá giá” Đồng Nhân dân tệ vừa qua của Trung Quốc - quốc gia được xem là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không ít quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với nước này, trong đó có Việt Nam, buộc phải điều chỉnh tỷ giá theo, để phù hợp với xu thế thị trường và cụ thể hơn, đó chính là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận diện tình hình, ngày 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ +/-1% lên +/-2% và tiếp theo là ngày 19/8/2015 biên độ tỉ giá được nới thêm 1%, tức là +/-3%. Đây là quyết định linh hoạt, chính xác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đón đầu và sẵn sàng đối diện với các bất lợi không chỉ từ việc phá giá của đồng Nhân dân tệ mà còn là khả năng điều chỉnh tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Văn Bình khẳng định “việc điều chỉnh tăng 1% tỉ giá bình quân liên ngân hàng, với biên độ +/-3%, thì tỉ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm, mà cho cả những tháng đầu năm 2016.

Động thái điều chỉnh tỷ giá nhiều lần của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần được xem là vấn đề bình thường, phù hợp với thị trường. Bởi, chính bản thân đồng Nhân dân tệ và các đồng ngoại tệ khác phải điều chỉnh giảm nhiều lần.

Cần nói thêm là hoạt động xuất nhập khẩu đều liên quan đến tỉ giá. Mặt khác, với động thái phá giá đồng tiền như vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ rẻ đi và hàng hóa của Việt Nam nếu xuất vào Trung Quốc giá sẽ cao hơn, dẫn đến yếu đi khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Ở đây bao hàm cả việc, nếu hàng hóa Việt Nam đắt hơn thì tự động hàng hóa nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam và Việt Nam sẽ nhập siêu, bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải thanh toán tiền cho xuất khẩu. Dòng ngoại tệ trong nước chảy ra nước ngoài. Nếu cứ như vậy thì tất nhiên cán cân thương mại thâm hụt, trong khi đó ngân sách Nhà nước chỉ dựa trên hai yếu tố: ngoại tệ và vàng.

Việc tăng tỉ giá là không phải bất cứ nhà điều hành chính sách xã hội nào cũng muốn bởi tăng tỉ giá thì chắc chắn làm cho đồng tiền của mình bị mất giá đi. Như vậy, sau khi tăng tỉ giá đồng nội tệ trong nước, động thái song song tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ đồng đô la Mỹ, đối với doanh nghiệp và tổ chức lãi suất bằng không. Kể từ quyết định 1938 ngày 25/9/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mức lãi suất tối đa đối với cá nhân là 0,25%/năm để tránh tình trạng người dân găm giữ đồng đô la Mỹ do cảm thấy không có lợi nếu giữ đồng nội tệ.

Sau hơn một tuần, hiệu quả của chính sách trên đã có tác dụng rõ rệt, tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ được các ngân hàng đồng loạt giảm, có thời điểm giảm mạnh hơn 200 đồng như ngày 08/10/2015. Trong khi đó, ở thị trường thế giới tỉ giá đồng đô la Mỹ vẫn tăng nhẹ so với đồng EURO và đồng Yên của Nhật. 

Việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước lần này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao về tính linh hoạt và kịp thời, mặc dù buộc phải điều chỉnh tỉ giá nhiều lần. Bởi, điều chỉnh một lần với biên độ quá lớn, sẽ là lợi bất cập hại vì chưa biết động thái điều chỉnh của đồng Nhân dân tệ là tạm thời hay cố định. Nếu đây chỉ là việc phá giá tiền tệ tạm thời của Trung Quốc mà chúng ta tăng biên độ lên cao quá sẽ vô tình làm cho đồng Việt Nam mất giá. Trong khi đó, thực tế không phải như vậy và cũng không thật cần thiết cho nên việc điều chỉnh nới rộng biên độ thêm 1%  là hợp lý.