Nông sản Việt: Rồng lên mây

(VOH) - Thành ngữ nước ta - phổ biến ở khu vực Nam Bộ - có câu “Rồng lên mây”. Rồng đã là thắng lợi, hoành tráng lắm rồi. Rồng mà lên mây thì đại thắng lợi, siêu hoành tráng. Một sự việc, một giai đoạn được ví “Rồng lên mây” thì không thể diễn tả được, ngây ngất luôn.
Các loại trái cây đặc sản Việt Nam cần được xây dựng và phát triển thương hiệu riêng. Ảnh: SGTT

Thời gian gần đây, nhiều người ví nông sản Việt Nam là Rồng lên mây. Dù hết sức khiêm tốn, phân bua thế này thế nọ, chúng ta phải thừa nhận thành ngữ ví von này có cơ sở chấp nhận được. Nhớ lại: Sau giải phóng, niên vụ sản xuất nông nghiệp 1976 sản lượng tăng hơn năm 1975 là 10%. Đây là cơ sở để nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư đưa ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lúa mỗi năm trong kế hoạch 5 năm: 1976- 1980. Chủ trương cải tạo nông nghiệp được đưa ra vào thời điểm đó, dù 35 năm đã qua, suy gẫm lại, chủ trương lúc ấy hoàn toàn đúng đắn. Vì mục tiêu của Đảng ta không có gì khác là làm cho dân giàu nước mạnh, ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành. Tuy nhiên, do chưa tìm ra giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp phù hợp nên sản luợng nông sản đạt thấp, nhất là sản luợng lúa...

Trước tình trạng đó, ngày 13/1/1981, Ban bí thư ban hành chỉ thị 100 về thí điểm khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động khôi phục lại chức năng kinh tế hộ nông dân. Khoán 100 bắt đầu đáp ứng được tâm tư tình cảm của một bộ phận nông dân. Trước đòi hỏi của thực tiễn, đến tháng 4/1988, Bộ chính trị khóa 6 có Nghị quyết 10 chấp nhận cho khoán gọn mà bà con mình thường gọi là khoán 10 - Chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại, hình thức và nội dung các hợp tác xã được đổi mới nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế hộ nông dân và nông nghiệp. Từng bước chuyển từ nền kinh tế tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo định hướng XHCN. Với 2 nghị quyết này, hiệu quả tức thì với nông sản Việt Nam. Có thể ví von ở thời điểm này, nông sản Việt Nam đã “vượt vũ môn” để hóa rồng.

Trên lĩnh vực lương thực, năm 1991, lần đầu tiên nước ta có đủ lương thực để ăn, còn có dư để xuất khẩu gần 1 triệu tấn. Ở thời điểm này, nhờ những thành công của các nhà nông học nước ta, người nông dân đã tạo nên những chuyện thần kỳ trong việc tạo ra các sản phẩm  nông nghiệp. Nếu trước kia các loại hoa quả phải “mùa nào trái nấy” như dưa hấu phải chờ Tết, xoài, sầu riêng phải chờ mùa hè… thì bây giờ người tiêu dùng có thể dùng quanh năm, bất kể lúc nào...

Đến giai đoạn 1995- 2000, nông sản chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó thủy sản chiếm 25%, lúa gạo chiếm 23,8% với sản lượng xuất khẩu 4,5 triệu tấn, cà phê chiếm 13,5%... Đặc biệt, trong giai đoạn này, mặt hàng rau quả có giá trị gia tăng cao nhất từ 52 triệu USD năm 1988 lên 105 triệu USD năm 1999 và 205 triệu USD năm 2000. Cách đây gần  20 năm, tác giả bài viết này có dịp nói chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh - Giám đốc Sở Thủy lợi đầu tiên của thành phố, ông cho rằng những thắng lợi bước đầu của nông nghiệp Việt Nam ngoài nỗ lực của người nông dân phải nói là chúng ta đã phát huy được hiệu quả của các công trình cơ sở hạ tầng của CNXH như thủy lợi - thủy điện và các viện, các trường  nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp và  đời sống. Tạo ra một lượng hàng hóa nông sản chưa từng có - đó là chuyện cách đây 20 năm. Đến nay, năm 2011, sản lượng nông - lâm - thủy sản nước ta càng hoành tráng hơn. Mặc dù chỉ tiêu đặt ra cho kim ngạch xuất khẩu nông sản (nói chung) chỉ có 23 tỷ USD, nhưng chúng ta đã đạt đến mức 25 tỷ USD, tăng 27,9% so với năm 2010, trong đó thủy sản cao nhất với 6,1 tỷ USD; lâm sản đạt 4,1 tỷ USD; gạo xuất 7,2 triệu tấn thu về 3,7 tỷ USD; cao su đạt 3 tỷ 3; cà phê đạt 2,7 tỷ USD… Mặt hàng hồ tiêu, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu  với 125.000 tấn, thu về gần 740 triệu USD. Nông sản Việt Nam đang là rồng lên mây không phải chỉ mấy con số này. Chúng ta cứ thử so sánh với Hàn Quốc - quốc gia hóa rồng thuộc loại sớm ở Châu Á - quốc gia thống lĩnh mặt hàng sâm trên thế giới, thế nhưng, nông sản của Hàn Quốc - tính tất cả các mặt hàng của họ - năm 2011 cũng chỉ xuất được 6 tỷ USD, trong khi Việt Nam chúng ta là 25 tỷ USD. So sánh 2 con số này vào những ngày đón xuân Nhâm Thìn thật thú vị.

Mục tiêu nước ta đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, lấy mặt hàng nông sản để khoe “Rồng lên mây” là khập khiểng và là không đúng. Nhưng ít ra để người nông dân Việt Nam chúng ta tự hào - chính những người chân lắm tay bùn, bán lưng cho trời bán mặt cho đất đã làm nên kỳ tích - nhất là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu các giá trị do nông sản nước ta đem lại đã góp phần củng cố nền kinh tế nước nhà. Dù sản lượng xuất khẩu nông sản của nước ta trong những năm gần đây đều gia tăng, nhưng sản phẩm xuất thô không phải là ít. Xuất thô nói theo cách nói của nông dân là bán lúa non. Kế đó giá trị gia tăng của các nông sản xuất khẩu ngày càng có xu hướng giảm dần. Đây là vấn đề cần quan tâm và đây còn là sự liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta cũng như định hướng phát triển trong từng lĩnh vực nuôi trồng và chế biến, tập trung nâng cao giá trị gia tăng. Để tránh xuất nông sản thô, các doanh nghiệp trong nước nên tập trung vào khâu chế biến để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Nông sản Việt Nam như Rồng lên mây, nhưng phải ở tầng mây nào, chứ Rồng nông sản Việt Nam mới chỉ lãng vãng ở tầng mây trắng và chưa ăn thua./.