Nước Mỹ tiếp cận trực diện Trung Quốc và định hướng chính sách châu Á

(VOH) - Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa có bài phát biểu quan trọng, được coi là thể hiện quan điểm rõ ràng của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ đã có cách tiếp cận trực diện với Trung Quốc, lý giải thẳng thắn những vấn đề làm nảy sinh mâu thuẫn giữa hai cường quốc suốt thời gian qua. Nó cũng phần nào hé lộ cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc – đất nước được coi là đối thủ chiến lược của Mỹ trong tương lai, cũng như chiến lược châu Á Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nước Mỹ tiếp cận trực diện Trung Quốc và định hướng chính sách châu Á

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu trình bày định hướng chính sách tại Viện Hudson ở thủ đô Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Trung Quốc đang sử dụng cách tiếp cận tổng lực, sử dụng đồng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tuyên truyền để đẩy mạnh ảnh hưởng của họ ở Mỹ. Đây có thể coi là hành động tiếp lời Tổng thống Trump, khi cáo buộc Bắc Kinh can thiệp bầu cử Mỹ. Trong phần lớn bài trình bày của mình, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra các dẫn chứng và lập luận thuyết phục rằng, Trung Quốc thực sự là mối đe dọa với quyền lực số một của Mỹ. Theo ông Mike Pence, trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng tới 9 lần, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, theo phía Mỹ, thành công đó là nhờ một phần vào sự đầu tư của Mỹ, và Trung Quốc đã sử dụng nhiều chính sách trái với thương mại tự do và công bằng, như thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ, cũng như trợ cấp công nghiệp để đạt được thành quả này.

Theo Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Trung Quốc đã và đang đầu tư mạnh vào quân sự để làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ cả trên bộ, trên biển, trên không, và trong vũ trụ. Chính quyền Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương và ngăn Mỹ hỗ trợ cho các nước đồng minh. Phó tổng thống Mỹ Pence dẫn lại việc nhà lãnh đạo Trung Quốc khi tới Nhà Trắng vào năm 2015 có tuyên bố rằng không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Thế nhưng, ông Pence nói “Trung Quốc nói đi ngược lại với làm” khi Bắc Kinh hiện đã triển khai các loại tên lửa chống hạm và phòng không hiện đại tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.

Ngoài ra, trong con mắt của giới lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới, theo một cách thức mà Mỹ coi là tiêu cực. Cụ thể, Trung Quốc sử dụng chính sách “ngoại giao vay nợ” để gây ảnh hưởng thông qua các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ dành cho chính phủ của nhiều nước ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latin, và buộc họ phải đi theo “quỹ đạo của Trung Quốc”. Trước các động thái của Trung Quốc mà Mỹ cho là nguy hiểm này, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã chuyển tới Trung Quốc một thông điệp: Tổng thống Mỹ sẽ không lùi bước, người dân Mỹ không dao động và nước Mỹ sẽ hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Như vậy, ngôn từ, khẩu khí cùng những dẫn chứng được Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra khi bình luận về Trung Quốc cho thấy chính quyền tổng thống Donald Trump đang coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất cần phải được kiềm chế. Quyết tâm của Mỹ không chỉ là việc đảm bảo vị trí số một trên toàn cầu, ngăn chặn những việc làm của Trung Quốc làm tổn hại nước Mỹ, mà còn là việc đảm bảo không gian châu Á – Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được duy trì trạng thái cân bằng, phù hợp với lợi ích của Mỹ. Như vậy tuyên bố này cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đã và đang áp dụng một chiến lược cụ thể và nhất quán với khu vực này, trái ngược với lo ngại trước đó rằng nước Mỹ sẽ rút lui khỏi khu vực có vị trí chiến lược này.

Xin nhắc lại rằng những tuyên bố tranh cử hồi năm 2016 của Tổng thống Donald Trump “ngừng xoay trục sang châu Á”,  đã gây quan ngại sâu sắc cho giới quan sát, với lo ngại về những thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những lo lắng về việc Tổng thống Trump sẽ ngừng “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương là không có cơ sở. Bởi mỗi tổng thống Mỹ sẽ có một cách tiếp cận khác nhau trong chiến lược xoay trục, và ông Trump dường như đang sử dụng cách thức này rất hiệu quả. Trong chiến lược đó, hồ sơ Biển Đông vẫn là một ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Giới quan sát ở Mỹ, châu Á, trên thế giới đều tin rằng trong nhiệm kỳ 4 năm tới, Tổng thống Trump vẫn thực hiện quyền đi lại trên biển, trên không ở Biển Đông như Tổng thống B.Obama vẫn làm. Bởi đây là vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của nước Mỹ.

Trước đó, cách đây gần một năm, ngày 18/12/2017, tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó gọi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” đang tìm cách định hình lại thế giới. Chiến lược này coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược vì Trung Quốc cạnh tranh hiệu quả với Mỹ trên hầu hết các lĩnh vực, và “theo những cách không giống những đối thủ khác của chúng ta”. Đây cũng là lý do khiến Mỹ áp dụng nhiều chính sách chiến lược đối đầu với Trung Quốc, mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tới hồi cao trào mới chỉ là điểm khởi đầu. Rõ ràng, nước Mỹ đã cho thấy quan điểm và cách tiếp cận với Trung Quốc trong tương lai. Vấn đề chỉ còn là thời gian và mức độ gia tăng đối đầu mà thôi.

Ở một góc nhìn khác, cách thức tiến hành can dự tại châu Á Thái Bình Dương đang thể hiện rõ phong cách của ông Donald Trump. Đó là đề cao tinh thần “chấn hưng nước Mỹ”, đặt lợi ích của nước Mỹ trên hết, do đó, các cách ứng xử và phương thức hành động của chính quyền Trump sẽ rất khác biệt. Vì vậy, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung sẽ vẫn tiếp diễn trong tình trạng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, nhưng mặt cạnh tranh, đấu tranh sẽ mạnh hơn nhiều, thậm chí gay gắt hơn. Ông John M. Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống B.Obama đã nhận định “Cuộc chiến tranh thương mại đang tăng nhiệt với Trung Quốc là cách để nước Mỹ triệt tiêu các lợi thế của đối thủ trong cuộc cạnh tranh này, đồng thời buộc Trung Quốc phải xuống thang, và chấp nhận ‘luật chơi’ của Mỹ.

Cũng có ý kiến cho rằng, những động thái rốt ráo của Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc thời gian gần đây là một chiến thuật của Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 sắp tới. Đó là vừa để răn đe Trung Quốc, vừa để thu hút cử tri. Dù với lý do gì, với những chính sách đang áp dụng với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã cho thấy ông là một đối thủ đáng gờm của Trung Quốc với những hiệu quả từ hành động của mình.