Quản lý lao động nước ngoài: Không nên chậm trễ

(VOH) - Quản lý lao động nước ngoài từ lâu đã là vấn đề cần quan tâm và lại càng nóng lên khi xảy ra vụ bác sĩ gây chết người rồi bỏ trốn ở phòng khám Trung quốc Maria tại Hà Nội, người nước ngoài đến làm bè nuôi cá tại Cam Ranh, mua đất ở Bình Thuận mà không hề có giấy phép.

Tại TP.HCM, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rất khổ sở khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội…mà không có cách gì giải quyết. Vấn đề nóng này cũng được đặt ra tại phiên chất vấn Thường vụ quốc hội ngày 21/8 vừa qua. Những tưởng rồi sẽ có cách giải quyết sớm cho người lao động, nhưng xem ra còn phải chờ đợi bởi các ngành chức năng đều nói đã làm hết phận sự theo quy định.

Một nhóm lao động Trung Quốc tại Dự án Alumin Nhân Cơ.

Về trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài thì Bộ LĐ,TB&XH có trách nhiệm chỉ đạo các Sở LÐ,TB&XH ở các địa phương hướng dẫn, triển khai cho người nước ngoài đăng ký lao động, nhận đăng ký và cấp phép lao động. UBND địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Còn Bộ Công an thì quản lý, cấp phép nhập cư cho lao động. Bộ LĐ,TB&XH được giao quản lý lao động nước ngoài theo Nghị định 34, Nghị định có quy định miễn giấy phép lao động cho những người làm việc dưới 3 tháng, đây đang là một kẽ hở, nên những người lao động nước ngoài đến VN làm việc đều theo con đường du lịch, khoảng hơn 2 tháng là về nước rồi lại qua tiếp. Tuy nhiên, Bộ cũng có quy định trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải đãng ký lao động trước 7 ngày với Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, song các địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Vì vậy khi lao động nước ngoài vi phạm luật đã bỏ trốn 1 cách dễ dàng.

Một kẽ hở nữa trong các trường hợp lao động phổ thông, chỉ được tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động VN, các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các dự án thường lách luật, đăng tuyển trong thời gian ngắn, lao động VN chưa chuẩn bị kịp, không đăng ký đủ số nên họ sử dụng lao động phổ thông nước ngoài.

Có nhiều kẽ hở trong quản lý lao động nước ngoài, từ đó đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật khá phức tạp ở nhiều khu vực, địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm kinh tế có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cho nên, cần có biện pháp giải quyết và quy trách nhiệm cơ quan liên quan. Còn với các doanh nghiệp do sản xuất khó khăn, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, hiện vẫn chưa có quy định nào để xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên chất vấn cho biết sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Trong thời gian chờ đợi đến tháng 5/2013 khi Bộ Luật lao động có hiệu lực, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn kỹ hơn về quản lý lao động nước ngoài.