Quản lý việc bán tháo và vận chuyển heo trong phòng chống dịch heo tai xanh

(VOH) - Trong chăn nuôi hiện nay, 3 dịch bệnh truyền nhiễm động vật có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội nước ta là dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm và heo tai xanh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch lở mồm long móng và cúm gia cầm đang tạm được khống chế sau khi đã tái phát ở hàng chục địa phương trong cả nước. Riêng dịch heo tai xanh đã tái phát ở 3 địa phương, làm trên 8.300 heo mắc bệnh, trong đó đã tiêu huỷ hơn 5.100 con. Có thể nói, trong nhiều năm qua, các loại dịch bệnh này đều liên tục tái phát, với những mức độ khác nhau. Vì vậy, việc phòng chống hiệu quả các dịch bệnh này sẽ góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.


Tiêm ngừa đàn heo bị bệnh heo tai xanh. Ảnh minh họa- Internet.

Hiện nay, nguy cơ lan rộng của dịch heo tai xanh ra nhiều địa phương khác còn khá cao do tình hình bán chạy heo của nhà chăn nuôi và công tác kiểm soát vận chuyển động vật chưa chặt chẽ của phía cơ quan chức năng.
Có thể thấy, trước khi dịch heo tai xanh được thông tin và xác định đến cơ quan quản lý nhà nước, tình hình bán chạy heo ở những nơi có heo bệnh chết và ở những vùng lân cận, giáp ranh đều có sự gia tăng đột biến. Lý do là người chăn nuôi muốn giảm bớt thiệt hại khi có heo mắc bệnh, không báo tin với chính quyền địa phương và bán chạy heo để “gỡ gạc”. Mặc dù, chính sách hỗ trợ của nhà nước đã có cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch bệnh gia súc nguy hiểm nhưng người chăn nuôi chỉ nhận được các khoản hỗ trợ này sau khi địa phương có công bố dịch và quá trình thực hiện, hoàn tất thủ tục để nhận tiền hỗ trợ thường kéo dài.
Chính vì việc bán chạy heo mà nhu cầu cần bán số lượng gia súc tăng lên đột biến nên các thương lái dễ dàng mua heo với giá rẻ và né tránh kiểm dịch vận chuyển của cơ quan chức năng các địa phương. Lượng heo bán chạy này có thể được vận chuyển đến lò giết mổ trái phép hoặc pha lóc ra thành phẩm để đưa đi tiêu thụ. Việc bán chạy heo bệnh và kiểm soát vận chuyển động vật chưa chặt chẽ là cơ hội cho mầm bệnh heo tai xanh có điều kiện “gieo rắc” rộng trên đường vận chuyển và đến tận hộ gia đình.
Thời gian qua, nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật không qua kiểm dịch, vượt qua ranh giới của nhiều tỉnh, thành đã bị ngành thú y Tp HCM phát hiện, thu giữ hàng và xử lý. Các vụ vi phạm đã bị phát hiện, xử lý nhưng số lượng các vụ vi phạm bị phát hiện trên thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, do đó không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh từ nơi này đến nơi khác. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch heo tai xanh. Theo đó, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện thực hiện các biện pháp đối phó ở những nơi đang có dịch hoặc thực hiện biện pháp phòng chống ở những nơi chưa tái phát. Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền và công tác kiểm soát vận chuyển động vật, các địa phương áp dụng chính sách hỗ trợ người chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch heo tai xanh theo các quy định đã ban hành để giúp người chăn nuôi nhanh chóng khôi phục sản xuất. Các biện pháp phòng chống dịch đã có, việc chủ động ngăn ngừa bệnh xảy ra tại cơ sở, trại chăn nuôi quan trọng hơn là các biện pháp đối phó khi dịch đã xảy ra, lan rộng, vì ai cũng thấy vấn đề kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn, phức tạp trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta./.