Sản phụ tử vong và trách nhiệm người thầy thuốc

(VOH) - Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đau xót khi nghe tin liên quan đến những sản phụ tử vong trong quá trình chuyển dạ sinh con. Và mới đây, không phải là một bệnh viện vùng quê xa xôi hẻo lánh mà tại một bệnh viện cửa ngõ của TPHCM, cũng xảy ra trường hợp tương tự mà hậu quả là chết cả mẹ lẫn con.

Ở đây, chúng ta chưa vội kết luận đâu là nguyên nhân dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Ngoại trừ lý do rất thường nghe mà ngành y thường cho là biến chứng y khoa thì những vụ việc khác, không thuộc về nguyên nhân này thì sao. Và trong những cái chết tức tưởi đó, vai trò người thầy thuốc thể hiện ở đâu, có theo dõi sát bệnh nhân hay không và đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Chính đây mới là điều người dân bức xúc và thực tế chúng ta đã thấy sự phản ứng từ họ.

Người chồng đau đớn trước cái chết của vợ và con, sản phNgô Thị Hồng Thu (SN 1982, ngụ ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn – TP HCM) tại Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn.

Không riêng gì lĩnh vực nhi hay sản, khi bệnh nhân nhập viện điều trị điều rất cần thiết là phải được theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những diễn tiến xấu. Thế nhưng, qua các vụ việc vừa qua cho thấy phần lớn những thai phụ đến bệnh viện chờ sinh rất ít trường hợp được theo dõi chặt, tìm hiểu tiền sử thai kỳ hay theo dõi sức khỏe người mẹ… Chỉ là những câu hỏi thông thường giữa người thầy thuốc và bệnh nhân mà đôi khi cũng rất khiêm tốn, hạn chế …cho đến khi người nhà thấy diễn biến xấu, hay là có hiện tượng bất thường chủ động liên lạc nhờ bác sĩ thì chuyện đã muộn. Đơn cử như trường hợp sản phụ ở Quảng Ngãi cho thấy, nếu thầy thuốc biết trước được sản phụ mang thai bị tim thì để an toàn trong quá trình sinh nở, nên khuyên người nhà chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn, đủ điều kiện, trang thiết bị hỗ trợ thì có thể không xảy ra kết cục đau lòng này. Chính từ những vụ việc vừa nêu phần nào cũng phản ánh một hiện tượng khá phổ biến trong lĩnh vực sản khoa đó là rất ít thai phụ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình từ chuyển dạ đến sinh mà công việc đó do nữ hộ sinh đảm trách, chỉ đến khi tất cả sẵn sàng, lúc đó bác sĩ mới có mặt và bắt đầu can thiệp. Ở đó cũng cho thấy, văn hóa giao tiếp giữa bác sĩ và sản phụ rất hạn chế…Với những ca bình thường thì không sao, nhưng đối với những sản phụ có vấn đề thì đó là mối nguy thực sự… Chính khoảng cách lạnh lùng và vô hình giữa bệnh nhân và thầy thuốc cũng chính là cội nguồn của tình trạng phong bì cho bác sĩ vẫn còn tồn tại.

Trở lại vụ sản phụ tử vong tại bệnh viện Hóc Môn cách đây mấy ngày, chồng của sản phụ quá bức xúc đã lên tiếng chất vấn “vì sao vợ tôi khó sinh nhưng bác sĩ lại để nằm sinh thường tới 40 phút sau đó mới chuyển sang phòng mổ. Thời gian nằm theo dõi và chờ sinh tại bệnh viện tới 4 ngày là quá lâu. Nếu bác sĩ tiên lượng tốt thì đâu đến mức này"…. Lời than trách của người thân sản phụ phần nào cũng cho thấy mối nguy hiểm, lằn ranh giữa hai bờ hạnh phúc và đớn đau trong những cuộc chuyển dạ sinh đẻ

Một thực tế tồn tại hiện nay đó là sự phát triển không đồng đều giữa các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện cơ sở, giữa bệnh viện của các TP lớn và bệnh viện của các tỉnh thành miền núi xa xôi. Sự phân bố không đồng đều về nguồn nhân lực cũng như trình độ y bác sĩ là một thực tế không thể bàn cãi. Thực tế đó cũng là hạn chế dẫn đến sai sót trong y khoa. Phân tích sâu vào từng trường hợp, ngoài những tai biến mà ngành y “bó tay”, thì có những sản phụ mà lẽ ra nếu chủ động xử trí tình huống tốt, không chủ quan thì cơ may sống rất cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trong cuộc trả lời báo chí gần đây cũng thẳng thắn nhìn nhận có những tai biến hoàn toàn có khả năng để phòng ngừa. Nói điều này, ông cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể là trường hợp sản phụ ở Quãng Ngãi. Nỗi đau thì vẫn còn đó, và càng thấy đau âm ỉ trong lòng khi qua các vụ việc, chưa nơi nào khi xảy ra sự cố mà dám nhận hẳn trách nhiệm sai sót về mình mà bày tỏ thẳng thắn với gia đình bệnh nhân. Đâu đó ta cũng chỉ nghe những câu rất chung chung như sẽ phân tích tìm nguyên nhân tử vong thông báo sau, hay phải chờ khám nghiệm tử thi mới kết luận dù có những vụ việc, người trong cuộc đã biết rõ mười mươi… Vấn đề ở đây là sự đối xử giữa bác sĩ với bệnh nhân trong những tình huống không may mắn, bệnh nhân suy cho cùng họ cũng là một khách hàng, họ đến bệnh viện cũng chính là sự lựa chọn dịch vụ và họ có quyền được tôn trọng. Cần ở đây là trách nhiệm người thầy thuốc và sự thể hiện trách nhiệm đó như thế nào, vì nếu cứ đổ do tai biến sản khoa thì ai cũng có thể nói được. Người dân vốn có cặp mắt quan sát rất tinh tường và họ cũng hiểu được, bản chất vấn đề là ở đâu. Điều mà người viết muốn đề cập, đó là cung cách ứng xử với nhau trong những hoàn cảnh đau lòng như thế này.