Tai nạn đường sắt có giảm thiểu được không ?

(VOH) - Lại một vụ tai nạn đường sắt (TNĐS) kinh hoàng xảy ra tại Quảng trị vào đêm 10/3/2015 vừa qua. Khi con tàu số hiệu SE5 đụng vào một xe tải chở đá. Đây là vụ TNĐS mà ngành đường sắt đánh giá là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề ước lên tới 23 tỉ đồng.

Trong đó thiệt hại rất lớn, không tính được thành tiền là một người thiệt mạng, 3 người khác bị trọng thương và làm hơn 2.500 hành khách bị chậm tàu, nhiều tàu khác bị đình chuyến và làm tắc nghẽn giao thông trong một thời gian dài, gần 24 tiếng cứu hộ mới giải tỏa được hiện trường.

Số vụ TNĐS ở các nước thường không cao. Nhưng ở Việt Nam gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Và ở nước ta, những vụ TNĐS hầu hết đều xảy ra tại các giao cắt giữa đường sắt và đường ngang. Tại các giao cắt đều có thanh chắn được hạ xuống mỗi khi tàu hỏa đi qua, một số giao cắt có hệ thống cảnh báo tự động, biển báo còn lại đa phần là các giao cắt giữa đường dân sinh tự phát và đường sắt. Do đó, TNĐS khi xảy ra hầu hết đều do lỗi chủ quan của các phương tiện ôtô, xe máy và người dân cố tình vượt qua đường sắt khi có tàu đang chạy đến. Nhắc đến các vụ TNĐS, chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ các vụ tai nạn nghiêm trọng như: vụ tàu đâm vào xe container ngày 19/9/2014 tại Nam Định, hay vụ tàu hỏa đâm xe taxi làm 9 người bị thương vong vào ngày 12/11/2013 tại Hà Nội,... Tất cả những vụ tai nạn nghiêm trọng này nguyên nhân là do các tài xế chủ quan, cố tình vượt các điểm giao cắt khi tàu hỏa đang tới, bất chấp các tín hiệu cảnh báo.

Đa số vụ TNGT đường sắt là do ý thức kém của người điều khiển phương tiện - Ảnh: GTVT.

Tính trong cả nước, 2 tháng đầu năm 2015, đã xảy ra 86 vụ TNĐS làm chết 37 người và 48 người bị thương. Riêng 9 ngày Tết Nguyên đán vừa qua đã xảy ra 10 vụ, làm chết 9 người, bị thương 3 người. Những con số này cho thấy chiều hướng gia tăng TNĐS trong những tháng đầu năm là rất đáng lo ngại. Hiện nay, trên cả nước có hơn 5.600 điểm giao cắt, trong đó có khoảng 540 giao cắt có thanh chắn, 840 giao cắt có biển báo hoặc hệ thống cảnh báo tự động và đặc biệt là có 4.200 đường dân sinh tự phát cắt ngang qua đường sắt. Hàng ngày, do ý thức của người tham gia giao thông quá kém, nên tình trạng các phương tiện xe ôtô, xe máy và người dân cứ thoải mái vô tư vượt qua đường sắt tại các điểm giao cắt tự phát thường xuyên diễn ra. Đó cũng là nguyên nhân tất yếu đưa đến các vụ TNĐS.

Riêng với hơn 840 giao cắt có biển báo, hoặc hệ thống cảnh báo tự động thì tính tự giác của người tham gia giao thông chấp hành đèn báo, biển báo có vai trò quyết định tai nạn có xảy ra hay không. Do vậy mỗi người tham gia giao thông khi đi qua các điểm giao cắt này cần chấp hành nghiêm đèn báo, hay hiệu lệnh của nhân viên đường sắt thì mới có thể giảm thiểu được số vụ tai nạn.. Điều này khẳng định ý thức của người tham gia giao thông khi đi ngang qua đường sắt là rất quan trọng trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn đường sắt. Đặc biệt là để giảm thiểu TNĐS rất cần sự chung tay của các tỉnh thành nơi có đường sắt đi qua trong vận động tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để từ đó mới mong kéo giảm và ngăn ngừa tai nạn đường sắt.