Tiếp tục hành trình đi tìm công lý

(VOH) - Hôm nay 10/8, kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam Việt Nam và cũng là ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thêm một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về một sự thật không thể chối bỏ trong lịch sử chiến tranh. Với hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân của gần 80 triệu lít chất độc hóa học được ngụy trang dưới dạng “chất khai hoang”, 61% trong đó là chất da cam mà quân đội Mỹ đã phun rải ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

55 năm đã qua đi, nhưng thứ chất độc chết người này vẫn đang tiếp tục hủy hoại không chỉ môi trường, hệ sinh thái và bào mòn tâm trí và sức lực của hơn 4 triệu người VN nhiễm dioxin. Có người đã chết, người thì đang sống trong bệnh tật hiểm nghèo và di truyền đến cả thế hệ con cháu, thậm chí di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba, thứ tư.

Càng đau lòng hơn khi phần lớn trong số họ đều rơi vào cảnh nghèo khó, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò, những gia đình có nhiều nạn nhân thì càng  bế tắc và kiệt quệ. Nỗi xót xa đó không người Việt Nam nào không thấu hiểu. Bởi cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả nặng nề nhất. Cho đến nay, nó đã để lại nỗi đau dai dẳng cả về thể xác lẫn tinh thần cho những nạn nhân da cam và đây chính là nỗi đau chung của toàn dân tộc!

Nhiều năm qua, các thế hệ nạn nhân da cam – những nhân chứng sống, vẫn không thôi hy vọng, tiếp tục đi kiện các công ty hóa chất và chính phủ Mỹ để đòi lại công lý cho chính mình, để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là những nạn nhân chất độc dioxin, được hỗ trợ và trả lại công bằng.

Chính phủ Mỹ đã chi trả bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ và gia đình của họ, những người bị các bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam. Rõ ràng có mối liên hệ giữa việc bị phơi nhiễm các chất khai hoang, được sử dụng để phá hủy rừng ở Việt Nam hồi đó. Vậy thì tại sao, những nạn nhân Việt Nam lại không được bồi thừờng một cách công bằng mà lại bị từ chối?

Bởi lẽ, tất cả các nạn nhân phải chịu hậu quả do cùng một nguyên nhân gây ra! Vậy nên, Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất thứ hóa chất độc hại này nên thừa nhận tác động của chất da cam lên sức khỏe con người và tác hại ghê gớm đối với môi trường và có sự bồi thường thỏa đáng cho những nạn nhân Việt Nam bởi những gì mà họ phải gánh chịu.

Một cuộc mít tinh ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN. Ảnh: LAW AND DISORDER RADIO

Tại hội thảo quốc tế đánh giá về tác hại của chất độc da cam dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định một sự thật vô cùng đau xót: “Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này”.

Vì lẽ đó, điều quan trọng hơn hết bây giờ là việc giành lại công lý cho các nạn nhân để phần nào xoa dịu nỗi đau da cam. Công việc này rất cần sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không còn chiến tranh, trong đó có những cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học với mục đích để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân da cam tìm được  công lý.

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân da cam… Hàng năm, Việt Nam dành hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân, trợ giúp những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với trách nhiệm lương tâm và tình người đã nhiệt tình giúp đỡ các nạn nhân và gia đình cả về vật chất và tinh thần, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đây là điều rất đáng trân trọng vì sự nhân ái và công tâm của con người.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri và cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Hãy đồng hành và tiếp tục  hành động  để góp phần làm vơi đi nỗi đau cho những nạn nhân da cam, phần nào thắp lên niềm tin giúp họ vượt qua khó khăn và bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Hành trình đi tìm công lý không thể tới đích trong ngày một ngày hai, nhưng rất cần có một niềm tin, sự kiên trì và đồng hành của toàn xã hội.