Từ 15/4: Phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm có khả thi?

(VOH) - Chuyện mũ bảo hiểm dỏm bày bán tràn lan và được nhiều người tham gia giao thông sử dụng là chuyện không mới. Nhưng gần đây, lại nóng lên bằng một Thông tư liên tịch 06/2013 mới được ban hành.
Mũ bảo hiểm đủ kiểu, màu sắc nhưng chất lượng thì hầu như không được kiểm soát. Ảnh: VNE

Thông tư được 4 Bộ: Khoa học Công nghệ, Công Thương, Giao thông Vận tải và Công an soạn thảo về việc đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn, sẽ có hiệu lực từ 15/4 tới đây. Việc sẽ xử phạt những người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật với mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tương đương mức phạt cho hành vi không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường. Với qui định mới này, người đi đường có thể bị phạt mà có khi nhận giấy phạt mới biết mình phạm lỗi gì!

Người đội mũ bảo hiểm được coi là không đúng qui cách, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay gọi nôm na là đội mũ bảo hiểm “dỏm” sẽ bị phạt.Với những chiếc mũ bảo hiểm biến tấu, cách điệu thì dễ nhận ra không đúng qui cách, không đúng tiêu chuẩn, nhưng với những mũ bảo hiểm là hàng nhái, hàng giả có chất lượng kém thì người dân khó có thể nhận biết vì bọn làm  hàng gian, hàng giả cũng biết dán tem kiểm định chất lượng giả… Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên toàn quốc thì loại mũ bảo hiểu không đúng qui cách, không đúng  qui chuẩn này hiện đang chiếm khoảng 70%, chỉ có 20% là mũ đúng qui chuẩn trong tổng số 90% số người tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường. Qua đó, mới thấy việc sản xuất, mua bán, sử dụng mũ bảo hiểm dỏm là một căn bệnh trầm kha. Mặc cho dư luận, các cơ quan truyền thông lên tiếng cảnh báo về tai họa do mũ bảo hiểm dỏm gây ra trong những năm qua!

Nếu coi người sử dụng mũ bảo hiểm dỏm là người sử dụng hàng gian, hàng giả cần phải xử phạt, thế thì người sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả còn phạm tội nặng hơn. Việc xử lý ngăn chặn nơi sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm dỏm là việc của cơ quan chức năng quản lý nhà nước như: lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… Thế nhưng, các cơ quan này không làm đầy đủ chức trách của mình để mũ bảo hiểm dỏm bán tràn lan, kể cả bán ở lề đường mà ai cũng dễ dàng mua được.

Báo cáo của Cục Quản lý Thị trường cho biết, trên địa bàn Hà Nội có đến 100% điểm kinh doanh mũ bảo hiểm có vi phạm, trong những điểm này có đến  gần 60% số mũ bảo hiểm qua kiểm tra là không có hóa đơn chứng từ gốc. Thế nhưng, việc ngăn chặn nạn kinh doanh mũ bảo hiểm dỏm vẫn không thể ngăn chặn được! Nay phải áp dụng biện pháp phạt người đội mũ dỏm chẳng khác gì chỉ giải quyết phần ngọn, còn vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm vẫn chưa dược giải quyết căn cơ từ nơi sản xuất, kinh doanh.

Các loại mũ bảo hiểm biến tấu, cách điệu ai cũng có thể nhận ra, nhưng loại mũ bảo hiểm là hàng nhái, hàng giả thì người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là mũ đạt qui chuẩn quốc gia. Nếu xử phạt những người đội loại mũ này chắc chắn sẽ gây ra sự phản ứng tiêu cực từ phía người đội và gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi xử phạt vì chính lực lượng CSGT cũng khó có thể nhận biết mũ có  đúng qui chuẩn hay không? Không lẽ mỗi lần xử phạt một trường hợp đội mũ bảo hiểm dỏm lại phải huy động cả một lực lượng liên ngành, trong khi vẫn chưa có đủ trang thiết bị để kiểm tra là mũ thật hay giả và có đảm bảo chất lượng hay không?

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cũng chưa qui định chức năng  phát hiện xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn, CSGT chỉ có thể xử phạt lỗi đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn khi người tham gia giao thông vị phạm lỗi khác phải buộc dừng xe rồi mới phạt cả 2 lỗi. Khi thực hiện việc xử phạt mà có liên quan đến đông đảo người vi phạm thì việc xử phạt cần phải đạt được sự công bằng, khách quan chứ không nên thực hiện theo kiểu “trúng ai nấy chịu”! Như thế sẽ không làm cho người bị phạt tâm phục, khẩu phục.

Việc thực hiện xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn theo Thông tư liên bộ 06/2013 còn gặp nhiều vướng mắc vì theo các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là Nghị định 34 và Nghị định 71 thì chưa có quy định cụ thể xử phạt mũ bảo hiểm kém chất lượng, chỉ qui định xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng cách. Rõ ràng, Thông tư liên bộ 06/2013 khó triển khai thực hiện việc xử phạt được từ ngày 15/4… thời hạn mà thông tư có hiệu lực. Các ràng buộc về pháp lý để việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng qui chuẩn cần sớm hoàn tất để việc xử phạt được thực hiện đúng pháp luật.

Việc cần làm hiện nay vẫn là tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại mũ bảo hiểm đạt qui chuẩn nhằm tăng cường ý thức cho người tiêu dùng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vừa bảo vệ bản thân mình khi lưu thông trên đường.