Từ VFF sang VPF: Dường như chỉ khác nhau ở tên gọi?

(VOH) - Giải bóng đá Vô địch quốc gia V- Leage 2012 đã xác định nhà tân vô địch, Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia cũng khép lại, giờ chỉ còn trận chung kết Cup quốc gia thì mùa bóng 2012 ở nước ta sẽ kết thúc. Nét đặc trưng của mùa bóng 2012 là lần đầu tiên các giải đấu đỉnh cao được đặt dưới sự quản lý điều hành của công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF chứ không phải VFF.

Mục tiêu đặt ra cho mùa giải 2012 dưới sự điều hành của VPF xem ra hết sức hoàn hảo.
Đó là nâng chất các giải đấu hàng đầu quốc gia lên tầm cao mới; chống tiêu cực triệt để, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn nạn trọng tài vốn tồn tại nhiều năm, khuyến cáo hiện tượng dùng doping tiền thưởng vô tội vạ của một số ông bầu gây tác động xấu đến tính công bằng trong thi đấu; tuyên chiến với vấn nạn bạo lực sân cỏ; tăng nguồn thu qua thu hút tài trợ và bán bản quyền truyền hình, đóng góp kinh phí cho VFF phát triển bóng đá trẻ, bóng đá học đường; ngăn chặn tình trạng làm giá, tăng giá ảo thị trường chuyển nhượng cầu thủ …



SHB Đà Nẵng lên ngôi vô địch.

Cuối mùa bóng 2012, để đánh giá thành công hay chưa đạt yêu cầu, chúng ta hãy thử đối chiếu kết quả so với với mục tiêu đề ra.
Trước hết là tình trạng bạo lực sân cỏ. Tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, số vụ tuy có ít hơn trước đôi chút, nhưng tính chất nghiêm trọng thì chưa giảm được bao nhiêu so với trước. Đáng kể nhất là sự phản ứng của khán giả sân Thống Nhất trước hành vi khiêu khích của một số cầu thủ Thanh Hóa dẫn đến tình trạng ném đá vào xe đội khách gây thương tích cho cầu thủ. Tuy nhiên, đỉnh điểm vẫn là hành vi hành hung trọng tài Võ Minh Trí trên đường cao tốc Trung Lương của cổ động viên quá khích Hải Phòng.
Mùa giải 2012 sai phạm và năng lực yếu kém của một số trọng tài ảnh hưởng đến kết quả trận đấu và gây ức chế cầu thủ vẫn tiếp tục là đề tài nóng trên báo chí thể thao. Sự bức xúc có lúc khiến không ít người phải đề xuất: nên chăng thuê trọng tài nước ngoài về điều hành V- Leage?
Tình trạng doping tiền thưởng ở những vòng đấu cuối cũng không khác, thậm chí còn hơn mùa giải trước. Ngay ở trận mang tính chất chung kết giữa Sài Gòn Xuân Thành và Hà Nội T&T thì chỉ riêng Bầu Thụy của Sài Gòn Xuân Thành lên tiếng treo thưởng 8 tỷ đồng nếu Sài Gòn Xuân Thành giành thắng lợi. Rất nhiều đội đều treo thưởng bạc tỷ cho một trận thắng, vì thế mới xảy ra hiện tượng các đội đứng trước nguy cơ rớt hạng đều giành thắng lợi trước đối thủ mạnh hơn mình ở 2 vòng đấu cuối. Hiện tượng đang trở thành nghi vấn tiêu cực, nhưng không thể kết luận do “không đủ chứng cứ tại hồ sơ”.
Về tài chính, sau cuộc chiến thương lượng với VFF và AVG , sở hữu được thương quyền truyền hình, một Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho biết: VPF sẽ thu số tiền của Hội đồng bảo trợ bóng đá qua bán bản quyền truyền hình lên đến 50 tỷ đồng. Thế nhưng, đó mới là lời tuyên bố còn thực tế thì nghe đâu mới chỉ có Bầu Đức đóng góp 5 tỷ mà thôi. Riêng về số tiền dành cho phát triển bóng đá phong trào lên đến 11 tỷ, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín
Về chủ trương ngăn chận hiện tượng làm giá, tăng giá ảo thị trường chuyển nhượng cầu thủ, mùa bóng vừa qua VPF chưa đưa ra được giải pháp khả thi. Thế nhưng, sự kiện Lê Công Vinh giờ chót bỏ Hà NộiT&T để đầu quân cho đội bóng CLB Bóng đá Hà Nội thì đã có nghi vấn: Công Vinh dứt tình với Bầu Hiển chẳng qua vì hợp đồng phá giá lên đến 13 tỷ đồng.
Về tính công bằng và tính khoa học của mùa bóng 2012, có lẽ phải nói đến trường hợp đội Trẻ Hà Nội, thi đấu ở giải Hạng nhất Quốc Gia. Đây là đội bóng trẻ của bầu Hiển. Đội bóng này đã thi đấu sòng phẳng, quyết liệt và giành ngôi á quân để thăng hạng V- Leage. Vậy mà, giờ đây VPF đang tính chuyện không cho đội thăng hạng với lý do ở V- Leage đã có Hà Nội T&T. (qui chế bóng đá chuyên nghiệp không chấp nhận một ông bầu có nhiều đội bóng thi đấu cùng 1 hạng). Nếu không cho Trẻ Hà Nội thăng hạng thì ngay từ đầu đừng cho Trẻ Hà Nội của Bầu Hiển , trẻ CLB Bóng đá Hà Nội hay TDC Bình Dương, đội bóng sân sau của Becamex Bình Dương dự giải. Tính khoa học ở đâu? Không lẽ cho họ thi đấu với chú thích: 3 đội bóng nói trên không được phép giành vị trí nhất, nhì? Nếu như vậy khác nào 3 đội bóng trên khi thi đấu được quyền không thắng một số trận. Vậy còn gì là chống tiêu cực và nâng chất bóng đá VN?
Thành quả dễ nhận thấy có lẽ chỉ là sự quan tâm của người hâm mộ nhiều hơn, nhất là qua cuộc chiến thương quyền truyền hình nổi đình nổi đám; ngôi vô địch và suất trụ hạng thứ hai sau Vicem Hải Phòng gây cấn, “kịch tính” đến giờ chót; thu nhập của lực lượng trọng tài năm nay cao hơn mùa giải trước.
Đó là những điểm sáng, song, chừng ấy điểm sáng so với hàng loạt mục tiêu chưa đạt được thì liệu mùa bóng 2012 có “thành công tốt đẹp” hay không? Câu trả lời tùy vào lăng kính của mỗi người.
Chưa có sự thay đổi, khác biệt về chất. Lẽ nào từ VFF sang VPF chỉ khác nhau tên gọi hay sao?