Vấn đề hôm nay: Bài học từ chậm khởi kiện Vedan

(VOH) - Hành động kiên quyết và cứng rắn của Hội Nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM kiện công ty Cổ phần Vedan xả thải trái phép gây thiệt hại cho môi trường, cho nông dân ra tòa nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người dân.

Nhưng trước khi đi đến kết quả sau cùng thì bài học rút ra từ quá trình yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại kéo dài gần 2 năm là kinh nghiệm để hạn chế hành vi tái phạm.

Ô nhiễm nghiêm trọng ngay cửa xả của Vedan VN. Ảnh: VNN

Trước hết, cần khẳng định một lần nữa, hành động xả thải trái phép của công ty Cổ phần Vedan là hoàn toàn chủ động, dù biết sẽ hủy hoại môi trường và đi ngược lại quy định của pháp luật. Nếu so sánh với thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico hồi cuối tháng 4/2010, mọi người có thể nhận ra chỉ số ''trách nhiệm xã hội'' của Vedan nằm ở mức âm. Lãnh đạo tập đoàn dầu lửa BP - đơn vị sở hữu giàn khoan gây ra sự cố đã nhanh chóng công khai bày tỏ thái độ hối tiếc trước giới truyền thông và lập quỹ bồi thường thiệt hại lên đến 20 tỷ USD.

Cần lưu ý đây là sự cố "ngoài ý muốn'' chứ không phải một hành động ''có chủ đích'' như công ty Cổ phần Vedan. Lãnh đạo tập đoàn dầu lửa BP hiểu rằng: một doanh nghiệp gắn liền với hình ảnh hủy hoại môi trường sẽ bị đối tác và khách hàng tẩy chay. Vậy mà với ''hành vi cố ý'' của mình, công ty cổ phần Vedan lý ra cần phải hành động nhanh hơn, chu đáo hơn thì lại hoàn toàn trái ngược. Ngoài số tiền gần 400 tỷ đồng nộp phạt theo khung xử phạt hành chính, lãnh đạo Vedan còn thiếu trách nhiệm khi kéo dài vụ việc bồi thường thiệt hại cho nông dân để chờ thời hạn xử lý pháp luật hết hiệu lực.

Vào thời điểm phát giác vụ việc, dư luận đã lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng trong nước tẩy chay sản phẩm bột ngọt Vedan. Đây là tập quán quốc tế để hành xử đối với các sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm môi trường. Thế nhưng, hiệu quả thực tế ra sao chẳng ai đo được, chỉ biết 4 trong số 7 nhà máy của Vedan tiếp tục hoạt động trở lại.

Liên quan đến vụ việc của Vedan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên từng nhận định: "Đối tượng vi phạm tinh vi và cố ý làm sai luật". Luật sư Nguyễn Văn Hậu - đại diện cho nông dân huyện Cần Giờ cho biết, phía Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ Vedan cố tình đưa ra sai số so với số liệu thực tế mà Hội thống kê để gây khó dễ, kéo dài thời gian. Rõ ràng, chủ động xả nước thải trái phép và gần như bóp chết sông Thị Vải nhiều năm trước đây, công ty cổ phần Vedan chẳng xem pháp luật Việt Nam ra gì. Bởi họ cho rằng, Việt Nam chúng ta thường không chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Quả thật, trước đó chưa từng có vụ việc nghiêm trọng nào tương tự xuất hiện. Nhưng giờ thì lãnh đạo công ty cổ phần Vedan có thể hiểu họ đã lầm.

Bài học rút ra từ vụ việc đòi công ty cổ phần Vedan bồi thường thiệt hại cho nông dân đã rõ. Bộ ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải luôn trong tư thế sẵn sàng, cảnh giác, tỉnh táo trước một số doanh nghiệp có thể bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận.

Pháp luật nước ta nghiêm minh nên sẽ đưa ra những răn đe và sự trừng phạt thích đáng, phù hợp với những vụ việc như vậy. Đây cũng là điều rất quan trọng để phục vụ cho chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển./.

Lê Nguyễn