Vấn đề hôm nay: Cần quyết liệt hơn

(VOH) - 70% khối lượng công việc đã làm được trong giai đoạn 1 của dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua 8 quận - huyện TPHCM đã cơ bản giải quyết tốt môi trường, ngập nước ở nhiều điểm bức xúc trong phạm vi 32 km của các tuyến kênh trục chính trong lưu vực rộng 14.900 ha.

Những công việc còn lại thuộc gói thầu số 6,7, 8, 9 để kết thúc giai đoạn 1, các nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục công trình và chỉ tổ chức thi công dưới hình thức da beo bởi vì còn vướng nhiều mặt bằng chưa bàn giao.

Xây cống điều tiết nước có van đóng mở tự động dọc kênh Tham Lương, quận Gò Vấp - Ảnh: Văn Nam/TBKTSG

Đến giữa tháng 8/2012, dự án còn 619/3.210 hộ dân chưa di dời mặt bằng, trong đó, quận Bình Tân có hơn 500 hộ dân thuộc đối tượng đã nhận tiền bồi thường rồi, lấn chiếm bất hợp pháp và chưa chịu nhận căn hộ tái định cư, không bàn giao mặt bằng đã làm chậm thi công các hạng mục của các gói thầu trên. Gói thầu số 6 do Công ty Thoát nước Đô thị thành phố thực hiện đến nay mới đạt 60% khối lượng công việc, 40% công việc còn lại phải chờ quận giải quyết mặt bằng gây thiệt hại lớn cho nhà thầu. Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị TP Lê Thanh Sơn khẳng định điều này:

Xí nghiệp xây dựng công trình thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện trên 90% công việc của gói thầu số 7 và 2 gói thầu số 8 và số 9, từ cầu Tham Lương đến cầu Trường Đai hiện nay cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Riêng đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương, cách cầu Tham Lương thuộc quận 12 vài trăm mét, gần 2 năm liền không giải tỏa được nhiều mặt bằng của các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh dọc theo kênh Tham Lương, ảnh hưởng đến thi công bờ đê và nạo vét kênh. Trong đó, có Công ty cổ phần Bê tông Lê Phan và nhà máy sản xuất đá vẫn hoạt động xả nước thải xuống kênh gây ô nhiễm dòng kênh đã được nạo vét mà không có cơ quan kiểm tra, kiểm soát môi trường nào xử phạt. Ông Đào Công Nguyên, cán bộ của Xí nghiệp Xây dựng công trình nêu ý kiến: 

Trước thực tế đó, qua đề xuất của nhà thầu và chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thành phố, Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP ký Công văn 3903 ngày 31/7/2013 yêu cầu quận Bình Tân, Gò Vấp, quận 12 và quận Tân Bình phải thực hiện xong việc bồi thường và bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư và nhà thầu trước ngày 30/8/2013 để kết thúc giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm 2013. Dù đã có chỉ đạo nhưng từ khi có công văn trên cho đến nay, những công việc còn lại của giai đoạn 1 vẫn chưa chuyển động. Chúng tôi liên hệ và được ông Lại Phú Cường - Phó Ban bồi thường. giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết là rất khó thực hiện:

Đúng là với khối lượng 500 hộ dân còn lại giải quyết trong thời gian 2 tháng không phải là đơn giản vì trong đó có nhiều dạng khác nhau, có đối tượng đề xuất cưỡng chế nhưng hơn 1 tháng nay vẫn chưa được chấp thuận, vì thế mà Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Bình Tân lập báo cáo 500 hộ dân còn lại trình Sở Tài nguyên Môi trường để xác lập lại tính pháp lý của mặt bằng có cơ sở giải quyết thấu tình đạt lý cho dân.

Quận 12 và Gò Vấp hiện giờ cũng rất khó giải quyết những trường hợp còn lại phải chờ ý kiến chỉ đạo ở trên. Trong hoàn cảnh nan giải đó khó mà kết thúc thu hồi mặt bằng theo chỉ đạo của thành phố và cũng rất khó hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2013. Chủ đầu tư cho biết, nếu các quận cho bàn giao mặt bằng trước ở những nơi xung yếu hoặc nơi liền tuyến kênh để các nhà thầu thi công thuận lợi hơn nhưng đến nay vẫn không giải quyết kịp thời.

Ở khu công nghiệp Tân Tạo có một phần mặt bằng bị giải tỏa của 10 doanh nghiệp cho đến giờ vẫn chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường và công tác di dời lưới điện trung hạ thế cũng triển khai rùa bò nên ngày 14/8, Tổng công ty Điện lực TP chỉ đạo cho công ty Điện lực Bình Phú, Gò Vấp, Hóc Môn phối hợp với chủ đầu tư di dời ngay trụ điện giao mặt bằng cho nhà thầu. Ông Trần Đăng Nghĩa - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thành phố lo lắng trước sự chậm trễ đó, đã kiến nghị:

Công tác giải tỏa đền bù, thu hồi mặt bằng của nhiều dự án hiện nay ở thành phố luôn làm chậm tiến độ thực hiện công trình. Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 1 cũng không tránh khỏi tình chung như vậy. Đã đến lúc, các quận - huyện phải kiên quyết, tập trung khẩn trương làm quyết liệt hơn thì may ra công tác trên sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, nhất là không để dự án giai đoạn 1 kéo dài thêm thời gian nữa để tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án.