Vấn đề hôm nay: Cảnh báo không đúng mức

Đợt gió mùa đông bắc dữ dội vừa qua quét từ Bắc xuống Nam đã làm 5 người chết, 51 người mất tích và 23 tàu thuyền bị chìm. Một con số tang thương không thua kém những đợt bão lũ lớn nào.

Nhưng khác với bão, lũ, gió mùa không phải là dạng thiên tai quá bất ngờ vì nó di chuyển rất “trật tự”, theo lộ trình gần như đã định sẵn.

Điển hình như đợt gió mùa này, rạng sáng 16-12 tràn qua Bắc bộ, đến buổi trưa và chiều lan đến các tỉnh miền Trung và rạng sáng 17/12 thì gây gió mạnh trên vùng biển phía nam. Không bất ngờ, vậy vì sao hàng loạt ngư dân và tàu thuyền ở miền Trung và miền Nam vẫn gặp nạn? Câu trả lời nằm ở chỗ chúng ta đã không xem gió mùa là một dạng thiên tai khẩn cấp để có sự cảnh báo và phòng chống kịp thời.

Lục lại các bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương trong các ngày 16 và 17/12 khi đợt gió mùa vừa quét qua sẽ thấy rõ sự bất cập này. Cụ thể, bản tin dự báo thời tiết ngày 16/12 cho biết vùng biển Trung bộ sẽ có gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 11 - tương đương với sức gió bão.

Đến ngày 17-12, dự báo trên biển miền Trung vẫn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 - trên sức gió của áp thấp nhiệt đới và tiệm cận mức gió bão. Nhưng song hành với những dự báo về đợt gió mạnh tương đương gió bão ấy đã không có bất cứ một công điện nào có tính cảnh báo nguy hiểm cao của các cơ quan chức năng. Tại các tỉnh ven biển, công tác ứng trực như chống bão hay áp thấp nhiệt đới cũng không được thực hiện.

Đến ngày 18-12, báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết hàng chục tàu thuyền đã bị đắm, hơn 30 ngư dân chết, mất tích và gió mùa vẫn đang hoạt động mạnh ở vùng biển phía nam. Nhưng vẫn không có một công điện cảnh báo nào. Trong khi đó, chỉ cần một cơn áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6 và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn rất nhiều cũng đã bắt buộc có công điện khẩn và lệnh ứng trực 24/24 giờ.

Vậy là không chỉ ngư dân đi biển mà ngay từ công tác dự báo đã không xem gió mùa là một dạng thiên tai khẩn cấp để có những biện pháp ứng phó kịp thời. Có thể vì những lộ trình đã quá quen thuộc của gió mùa làm nhiều người bớt đi sự âu lo như với bão, lũ hay áp thấp nhiệt đới.

Nhưng xin đừng quên đây không phải là đợt gió mùa đầu tiên gây thiệt hại nặng nề như vậy. Trước đó vào tháng 10/2010, chín ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã mất tích khi đang đánh cá trên vịnh Bắc bộ vào đợt gió mùa. Xa hơn một chút, những đợt gió mùa bổ sung liên tục vào đầu năm 2008 đã khiến Bắc bộ chìm trong giá rét 38 ngày, 52.000 trâu bò chết và 100.000ha cây nông nghiệp hư hại.

Nhìn rộng ra, không chỉ gió mùa mà cả các đợt hạn hán, triều cường... cũng từng gây thiệt hại rất lớn về người và của. Tuy nhiên, công tác cảnh báo dường như chỉ mới chăm chăm vào bão, lũ và áp thấp nhiệt đới. Những cảnh báo khẩn không làm thay đổi được mức độ nguy hiểm của thiên tai, cũng chưa chắc đã giảm thiểu được thiệt hại. Nhưng ít nhất nó cũng đánh giá đúng mức độ nguy hiểm để người dân và các cơ quan phòng chống thiên tai không còn lơ là, chủ quan.

Nguyễn Viễn Sự