Vấn đề hôm nay: Đối phó với thiên tai – Không chờ nước tới chân mới nhảy

(VOH) - Nước ta được dự báo động đất và sóng thần ít so với các nước nhưng điều đó không có nghĩa là nó không xảy ra, và nếu xảy ra sẽ là một thảm họa lớn cho đất nước. Bởi động đất, sóng thần chỉ diễn biến trong tích tắc, chúng ta khó trở tay kịp nếu không có sự chuẩn bị ngay từ khi chưa có biến cố nào xảy ra.

Khu vực miền Trung ở nước ta thường xuyên phải đối mặt với thiên tai. Ảnh minh họa: Việt báo

Một điều đáng nói là động đất và sóng thần nếu xảy ra nó sẽ gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản nhưng trong tiềm thức của hầu hết người Việt Nam chúng ta xem động đất và sóng thần vẫn còn xa lạ, chưa quan tâm, cảnh giác và đối phó.

Theo Viện vật lý địa cầu, nếu xuất hiện sóng thần thì từ rảnh nước sâu ở Manila – Philippine về tới bờ biển nước ta chỉ trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tư thế sẵn sàng sơ tán dân thì quả là một tai họa. Bởi điều đó cũng đã từng xảy ra đối với những cơn bão lớn vào bờ biển nước ta. Việc vận động nhân dân sơ tán gặp vô cùng khó khăn. Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát khá bức xúc vì gần đây khi có sự cố về bão hay động đất, nhiều địa phương hết sức lúng túng trong phương pháp điều hành, chỉ đạo sơ tán dân, ngay cả trong việc phân công, phân nhiệm từng thành viên ban chỉ huy cũng lộn xộn. Nếu có chuẩn bị chu đáo sẽ giảm nhẹ được thiên tai. Một điểm đáng nói hơn là khi có tin tức về bão, về động đất, sóng thần phát trên truyền hình và phát thanh trung ương, lãnh đạo nhiều địa phương còn nghi ngờ, phải gọi điện về Chính phủ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương để tin chỉ đạo? Việc này quả thật là quá bất cập. Vấn đề đặt ra là hiện nay ở địa phương nào cũng có bộ phận phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai. Ai cũng biết yêu cầu 4 tại chổ- chính bộ phận này phải duy trì thường xuyên các chế độ sinh hoạt, không phải chờ có thiên tai, bão lụt mới hoạt động. Khi đón nhận thông tin từ Viện vật lí địa cầu, thông tin từ Đài truyền hình và phát thanh trung ương cảnh báo về sóng thần, động đất ở địa phương nào thì nơi đó phải tự chủ động với các giải pháp kịp thời và nhanh nhất, chứ không cần phải họp hội hay chờ sự chỉ đạo của cấp trên. Một điểm cũng đáng quan tâm nữa là chúng ta vừa chủ quan với sức tàn phá của thiên tai, vừa hiếu kỳ với những sự kiện lạ. Điều này cũng rất dễ dẫn tới thảm họa, đặc biệt là với sóng thần. Do vậy, nếu có sự cố, các nhà khoa học đều khuyên người dân không được đến gần mà phải tìm nơi cao ráo để tránh; các phương tiện tàu thuyền phải ra xa bờ biển và không một người nào được ở trên đó. Mặt khác, người dân cũng cần phải nhanh chóng di tản và mang theo những vật quí giá, không tiếc tài sản, nhà cửa để bảo toàn tính mạng.

Những năm gần đây, thời tiết, thiên tai trở nên phức tạp hơn. Nhiều cơn địa chấn, động đất làm rung chuyển nhiều khu vực đặc biệt là ở vùng núi trung du phía bắc, vùng biển Nam Trung bộ,… và nước ta đã từng xảy ra những vụ động đất lên đến 6,7-6,8 độ richter, gây thiệt hại nhiều về nhà cửa, tính mạng; đồng thời sóng thần cũng từng xuất hiện. Vì vậy, so sánh động đất với mức độ như vậy thì thiệt hai không nhỏ trong tình hình dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng phát triển, nhà cửa san sát như hiện nay. Chính vì vậy, việc quan tâm đến trang thiết bị, trạm quan trắc, nâng cao công tác dự báo dự tính, quan tâm đến thiết kế nhà ở; đồng thời giáo dục, kêu gọi người dân ý thức cao hơn nữa để ứng phó thiên tai là vô cùng cấp thiết. Chính phủ đã ban hành qui chế cụ thể về thông tin, cảnh báo, đối phó với biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần ở nước ta. Để không lung túng, bị động khi có sự cố của thiên tai, mọi người chúng ta hãy quan tâm hơn nữa tới vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất bằng những việc làm thiết thực như: không phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, ý thức cao trong cảnh giác với thiên tai giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với sự sống của con người./.

Minh Tâm