Vấn đề hôm nay: Giao thông hay ý thức của chúng ta

(VOH) - Ở những đô thị đông dân như Hà Nội hay TPHCM, nếu bạn dừng đèn đỏ quá lâu, không khéo sẽ bị xe tông từ sau đuôi hoặc bị mắng là kẻ "điên rồ". Nếu đường vắng người, lúc đèn đỏ mà bạn vẫn dừng xe, có thể người ta xem bạn là "người cõi trên". Chuyện này ở Việt Nam mình không lạ.
 

Nhiều người không thể chịu được cảnh kẹt xe kéo dài nên đã rinh xe qua con lươn để thoát. Ảnh: An Nhơn- TTO

Mới đây, người viết đọc báo mạng, thấy một nhà báo Singapore chỉ sống có 4 ngày ở TPHCM nhưng khi về nước anh mô tả giao thông ở Việt Nam như "vũ điệu Ba lê", đủ thấy bức tranh giao thông của ta xô bồ đến mức nào?!

Nhà báo này kết luận khá tinh ý đó là: "Người đi đường ở Việt Nam có tài phán đoán đúng và xử lý chính xác vì ai cũng tập trung cho những gì xảy ra xung quanh". Câu nói này theo cách hiểu của người viết, nghĩa là người tham gia giao thông ở Việt Nam ta đã đạt đến mức độ "chuyên nghiệp" khi xử lý tình huống trong điều kiện giao thông nguy hiểm. Nhưng là người Việt Nam, có lẽ chúng ta hiểu hơn ai hết sự tập trung của những người tham gia giao thông gồm 2 mặt: Trước hết là để bảo vệ an toàn cho chính mình, nhưng song song đó, nhiều người luôn trong tư thế sẵn sàng bất chấp luật lệ nhằm tìm cách thoát khỏi đám đông mà không cần biết đến sự tồn tại của đèn tín hiệu giao thông; họ không ngại đi ngược chiều, leo vỉa hè, nhấn còi, phóng nhanh.... Đó là chưa kể người đi bộ cũng góp phần làm cho tình hình giao thông thêm lộn xộn bởi kiểu băng ngang, bổ dọc vô lối như ta là "kẻ bề trên".

Lâu nay, khi mổ xẻ nguyên nhân về thực trạng giao thông ùn tắc, kẹt xe ở các đô thị lớn tại Việt Nam, người ta thường xét đến nguyên nhân "tổng hợp'', đó là luật chưa nghiêm, chưa có hình phạt thích đáng với người vi phạm, chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đường hẹp, phân luồng chưa hợp lý, ý thức giao thông kém, dân số tăng nhanh... Nhưng đó là thực trạng chung của một đô thị đang phát triển mà chúng ta phải tạm chấp nhận để ở tương lai gần, bộ mặt đô thị khang trang và sạch đẹp hơn. Khi đó, cái cốt lõi chính là ý thức tham gia giao thông liệu có cải thiện không, hay người ta vẫn cứ tự do bóp còi, vượt đèn đỏ mỗi khi vắng bóng Cảnh Sát giao thông hoặc đường phố trống trải ít người? Thành ra, xét cho cùng, ý thức giao thông là trên hết. Nếu ý thức kém, thì dù đường có rộng thênh thang, tình hình giao thông vẫn sẽ rất tồi tệ. Bởi trong "bức tranh hỗn độn" về giao thông ở Việt Nam thì ý thức là điều mà người ta chờ đợi nhất. Chẳng hạn, nếu gặp tình huống tắc đường, kẹt xe, mọi người chịu nhường nhau, đi đúng tuyến, dừng đúng vạch thì tình hình sẽ được cải thiện, nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giá trị của ý thức cũng phát huy tác dụng nhanh nhất; còn lại những vấn đề khác như mở rộng đường, xây dựng hệ thống luật giao thông hoàn chỉnh... đòi hỏi phải có thời gian.

Cho nên, bài học về ý thức nếu không được người tham gia giao coi trọng thì Nhà Nước phải điều chỉnh bằng những hình thức chế tài thật nặng cho hành vi coi thường luật giao thông.

Ở một đất nước mà có hơn 80 triệu dân, nhiều đô thị có trên 1 triệu dân, thì việc cần làm ngay và thực hiện xuyên suốt là phải kết hợp giữa nhà trường- gia đình - xã hội để giáo dục có hiệu quả luật giao thông cho học sinh, tổ chức thi sát hạch bằng lái xe một cách nghiêm túc, không chạy theo số lượng và doanh thu.

Đó là nền tảng cần có để xây dựng và chấn chỉnh lại văn hóa giao thông ở Việt Nam từ gốc. Đừng để nó trở thành một thứ đặc trưng "xấu xí" trong mắt bạn bè quốc tế sau mỗi chuyến du lịch hay công tác tại Việt Nam. Đừng để cái sai, cái bất thường đi ngược lại các qui định của luật pháp trở thành cái bình thường đáng xấu hổ.

Huỳnh Sang