Vấn đề hôm nay: Tiêm phòng vacxin thủy đậu – chớ xem thường !

(VOH) - Bệnh thủy đậu từ sau Tết nguyên đán bùng phát tại các tỉnh Nam bộ làm mọi người không an tâm … Thủy đậu còn được biết đến qua những tên gọi khác là trái rạ, đậu mùa..

Vấn đề hôm nay: Tiêm phòng vacxin thủy đậu – chớ xem thường !

 

(VOH) - Bệnh thủy đậu từ sau Tết nguyên đán bùng phát tại các tỉnh Nam bộ làm mọi người không an tâm … Thủy đậu còn được biết đến qua những tên gọi khác là trái rạ, đậu mùa..Bệnh lây lan rất nhanh và thường tồn tại dai dẳng , có nguy cơ lây lan rất cao, thông qua không khí, nước bọt.. Trẻ em và cả người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh này.

 

 

Tiêm vacxin phòng ngừa thủy đậu (ảnh: vtc)

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhiễm bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 2 đến tháng 6 hằng năm, đôi khi bùng phát thành dịch lớn. Tuy nhiên, lứa tuổi mắc nhiều nhất là trẻ em ở độ tuổi đi học, đa số là trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đây là một bệnh có tính lây nhiễm rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi... có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Mặt khác, bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu. Một điểm cần hết sức lưu ý đối với bệnh này là khi chưa nổi mụn nước, nghĩa là trước khi phát bệnh 1-2 ngày, trẻ mang siêu vi trùng thủy đậu đã có khả năng lây bệnh cho những trẻ khác và khả năng lây lan này còn kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã đóng vảy. Do vậy, dù cách ly trẻ bị thủy đậu là việc làm bắt buộc nhưng thường không hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh. Điều này giải thích vì sao khi trong lớp hoặc trường học có trẻ bị thủy đậu thì bệnh lây lan rất nhanh và thường tồn tại dai dẳng. Do việc chủng ngừa thủy đậu cho trẻ dưới 13 tuổi trước đây chỉ được chích 1 mũi nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh nên nay các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm nhắc lại sau đó Tại cuộc họp của Sở Y tế TPHCM mới đây, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết hiện nay một số bệnh nhiễm ở trẻ đang vào mùa; đặc biệt ở phía Nam, bệnh thủy đậu đã bắt đầu gia tăng.

 

Báo cáo từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TPHCM cho thấy dù chưa bộc phát nhiều nhưng nguy cơ bệnh lây lan là có thật. Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, nhiều bệnh nhi đang phải khổ sở với bệnh này. Những nốt mụn bọng nước mọc lốm đốm khắp mặt, cổ, bụng, tay... bệnh nhi. Các em được các bác sĩ thoa thuốc sát trùng để ngăn ngừa làm mủ. Người nhà một bệnh nhi cho biết, trước đó thấy con mắc bệnh cứ tưởng bị bệnh cảm xoàng nên ở nhà cứ cho uống thuốc. Đến khi thấy toàn thân cháu nổi mụn phát hồng ban mới giật mình đưa đi viện thì lúc này cả nhà đã bị “dính chùm” theo vì bệnh thủy đậu.

 

Tại BV Nhi Đồng 2, hiện mỗi ngày BV tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 3 trường hợp trẻ bị mắc bệnh thủy đậu. Thông thường thời gian ủ bệnh trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ là bị sốt siêu vi, sau đó nổi hồng ban, mụn nước. Nếu các mụn này bị vỡ sẽ gây nhiễm trùng da, bưng mủ, bệnh nhân sức đề kháng yếu sẽ bị gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não... nếu không điều trị kịp thời. Tốt nhất là giữ không để các mụn nước bị vỡ vì dễ lan ra và tạo thành sẹo. Bệnh này sẽ còn lây lan dù đã điều trị khỏi bệnh, vì vậy trong vòng 10 ngày, người đã lành bệnh còn phải chịu cách ly đối với người khác. Còn tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi bị thủy đậu đa số được điều trị ngoại trú mặc dù bệnh đang gia tăng. Hiện nay có khoảng 5-6 trẻ bị thủy đậu nặng đang được điều trị tại khoa, còn nếu trẻ mắc thủy đậu ở mức độ nhẹ được gia đình đưa đi khám bệnh kịp thời sẽ được bác sĩ khám và kê thuốc uống tại nhà. Tiến sĩ – bác sĩ Trần Tịnh Hiền, PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết bệnh này rất dễ lây lan nếu không phòng ngừa đúng cách, tập trung nhiều nhất ở những khu vực có mật độ dân cư đông, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp... Bệnh thủy đậu có nguy cơ lây lan rất cao, thông qua không khí, nước bọt... Vì vậy, nên hạn chế tiếp xúc với người có bệnh. Tại các khu vực có mật độ dân cư đông người dân chú ý đề phòng.

 

Các Bác sĩ chuyên khoa nhiễm khuyên rằng nên tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu cho người chưa bị nhiễm bệnh là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm ngừa. Phụ huynh nên chủng ngừa cho trẻ trước khi bé tiếp xúc với môi trường đông người như trước khi đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo để tránh nguy cơ bị lây bệnh. Cần lưu ý là nên chủng ngừa cho trẻ khi cơ thể bé khỏe mạnh và dịch bệnh chưa xảy ra. Không nên đợi đến khi trong lớp có bạn bị thủy đậu hoặc có dịch xảy ra mới chủng ngừa cho trẻ vì lúc đó có thể bé đã bị lây bệnh, vắc-xin không kịp có tác dụng bảo vệ hoặc khan hiếm vắc-xin do nhu cầu tiêm ngừa tăng cao. Nếu có điều kiện, thanh thiếu niên và người lớn cũng nên đi tiêm ngừa thủy đậu để được bảo vệ, tránh lây lan trong cộng đồng khi bùng phát dịch.

 

Thành Sang