Vấn đề hôm nay: Trái cây Việt Nam cần đổi mới để khẳng định vị thế

(VOH) - Mấy ngày gần đây giá trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu sụt giảm liên tục. Và tình trạng trái cây tới mùa thì rớt giá ở ĐBSCL cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, khiến nhiều nhà vườn đang ăn ngủ không yên.

Tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, cách đây khoảng 2 tháng, thương lái tìm mua măng cụt tại vườn với giá từ 40.000 đến 70.000 đồng/kg, vậy mà nay sụt giảm còn 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Đồng cảnh ngộ trên, chôm chôm từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg vậy mà hiện nay chỉ còn bán được với giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Dù giá đã giảm khá mạnh nhưng nhiều nhà vườn còn lo ngại chôm chôm ĐBSCL sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Còn tại huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang hồi đầu vụ giá sầu riêng cơm vàng hạt lép giá 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20.000 đồng/kg; sầu riêng khổ qua xanh từ 9.000 đến 12.000 đồng/kg nay sụt xuống còn 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Nếu tới đây giá giảm thêm thì nhà vườn sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, trong lúc nhà vườn trồng cây ăn trái ở ĐBSCL phập phồng lo cảnh “tới mùa, rớt giá” thì Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng giá trái cây ở nước ta vẫn thuộc loại “mắc” so với một số nước trong khu vực. Đơn cử như ở Thái Lan, giá mỗi ký măng cụt khoảng 8.000 đến 10.000 đồng, tính ra thấp hơn ta rất nhiều; còn ở Trung Quốc giá trái cây cũng thấp hơn Việt Nam. Chính vì thế mà trái cây ngoại ào ạt tràn vào và áp đảo trái cây nội.

Nguyên nhân khiến giá trái cây Việt Nam không thể cạnh tranh được với một số nước trong khu vực là do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo dạng kinh tế hộ, chưa đầu tư ứng dụng mạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật… dẫn đến chất lượng chưa đồng đều mà giá thành sản xuất lại khá cao. Mặt khác, các nhà vườn ở nước ta chưa áp dụng được cơ giới hóa, trái cây đóng gói không đúng cách, thiếu thương hiệu, quảng bá, tiếp thị; đặc biệt, hệ thống thu mua qua nhiều trung gian làm cho giá trái cây tại nhà vườn rất thấp nhưng ra đến chợ lại quá cao, làm mất tính cạnh tranh.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ trái cây rất rộng và nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vuờn cây ăn trái. Đồng thời, trái cây nước ta cũng đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc, khẳng định vị thế. vấn đề là phải mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, nhanh chóng chuyển sang cách làm mới. Theo đó cần tăng cường đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực trái cây, chú trọng các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng như Global GAP, VietGAP…

Để sớm giải quyết được tất cả các vấn đề trên, có lẽ nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho những nhà vườn có nhu cầu cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Song hành cùng sản xuất “sạch”, cũng rất cần đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến, xuất khẩu…Và để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ, nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng vào cuộc, ưu tiên vốn cho xây dựng vùng chuyên canh. Ngoài ra, cũng nên xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho mát để dự trữ trái cây phục vụ xuất khẩu. Đã đến lúc chúng ta cần phải đầu tư mạnh cho nhà vườn và phải làm thật quyết liệt mới mong tạo ra bước chuyển, thúc đẩy trái cây phát triển, đồng thời tạo được chỗ đứng trên thương trường quốc tế.

Hải Thanh