VĐHN: Bạo hành phụ nữ vẫn còn nhức nhối

(VOH) - Mấy ngày vừa qua, cư dân mạng lại xôn xao và phản ứng gay gắt với một đoạn video clip đánh bạn tại trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khác với những thông tin về bạo lực học đường chủ yếu là xung đột giữa nam sinh và nam sinh, hay nữ sinh và nữ sinh, thì video clip này lại đăng tải hình ảnh một nam sinh đánh dã man bạn gái cùng lớp. Điều này đã gây phẫn nộ sâu sắc và gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ không chỉ cho riêng ngành giáo dục mà cho cả gia đình và xã hội.
Một nam sinh đánh một bạn nữ tay yếu chân mềm trước tập thể lớp học.  tại trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. (ảnh: cắt từ clip)

Người xem giật thót mình trước hành vi bạo lực của nam sinh với một bạn nữ tay yếu chân mềm trước tập thể lớp học. Có lẽ, chứng kiến hành động không kiểm soát của nam sinh chưa đến tuổi trưởng thành, song lại ngông nghênh và tàn bạo với nữ giới khiến cho chúng ta không khỏi lo lắng. Vì sao chỉ ở lứa tuổi học trò mà bản thân nam sinh nọ đã có những hành động bạo lực với bạn nữ và lối hành xử thô bạo, đáng xấu hổ như vậy?

Quay lại với thực tế về nạn bạo hành tại Việt Nam, theo số liệu nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ thì 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã phải chịu bạo lực thể xác trong đời. Nghiên cứu cho thấy, bạo lực thể xác bắt đầu sớm trong mối quan hệ vợ chồng và giảm dần theo độ tuổi. Có sự khác biệt giữa các khu vực và trình độ học vấn, cụ thể với phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn thì tỷ lệ bị bạo hành thể xác cao hơn. Điều hiển nhiên là những chấn thương về mặt thể xác ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người phụ nữ. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành tinh thần rất cao, 54% phụ nữ đã phải chịu bạo hành tinh thần trong đời và đây là dạng bạo hành được cho là nghiêm trọng hơn cả.



Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao tỷ lệ bạo hành vẫn còn, nhất là ở những khu vực nông thôn, nơi mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề. Người phụ nữ dường như chỉ biết cam chịu và gánh tất cả mọi trách nhiệm, nghĩa vụ trên vai, song vẫn không được quyền lên tiếng. Xã hội luôn xem người phụ nữ là trọng tâm của gia đình, là sợi dây kết nối tình cảm mọi thành viên gia đình với nhau là người giữ lửa để không khí gia đình luôn đầm ấm, yêu thương nhau. Vậy nhưng, cũng chính phụ nữ lại là nạn nhân của nạn bạo hành, của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, gia trưởng. Người phụ nữ dẫu có vất vả thể nào, lam lũ ra sao thì khi có sự va chạm giữa hai vợ chồng, dường như người vợ sẽ phải hứng chịu việc "hạ cẳng tay, thượng cẳng chân" của người chồng vẫn đầu ấp tay gối với mình. Không ít vụ bạo hành gây chấn động dư luận, khiến người vợ phải mang thương tật suốt đời. Thế nhưng, luật pháp vẫn chưa thật mạnh tay với những hành động tàn nhẫn nên tính răn đe còn ít.

Mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng hiện tượng bạo hành phụ nữ vẫn chưa thuyên giảm là mấy. Làm thế nào để đưa luật vào cuộc sống, ngăn chặn được tình trạng bạo lực gia đình? Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết, bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91%; gây tổn hại về sức khỏe, thể chất 87,5%; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần 89,4%; gây tan vỡ gia đình 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội 89%. Với trẻ thơ, hậu quả của nạn bạo hành gia đình là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.


Nhiều thập kỷ qua, cùng với các chủ trương phát triển kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, Nhà nước và các cấp địa phương đã chú trọng vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ ngày nay được tín nhiệm, đề cử vào các vị trí quan trọng trong Đảng, chính quyền và được vinh danh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó, một mặt cho thấy sự nhìn nhận của xã hội, của đất nước đối với nữ giới cũng như nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới mà chúng ta đang theo đuổi; mặt khác cũng khẳng định sự phấn đấu không ngừng nghỉ để vừa đảm đương việc nước, vừa chu toàn việc nhà của người phụ nữ ngày nay.

Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực gia đình, rất cần đến sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội. Lên án hành vi bạo lực và kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống hành vi này là điều vô cùng cần thiết. Việc tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới phải được thực hiện liên tục và thường xuyên. Có như vậy mới mong bớt đi những hình ảnh nam sinh đánh nữ sinh, những hình ảnh bạo hành phụ nữ gây phẫn nộ dư luận. Và quan trọng hơn, ngày 8/3 hằng năm sẽ thật sự ý nghĩa với phụ nữ - một nửa của thế giới khi họ được trân trọng và yêu thương.