VĐHN: Bạo lực học đường- SOS!

(VOH) - Gần đây, bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, việc học sinh (HS) dùng “hung khí” giải quyết mâu thuẫn với bạn học xảy ra nhiều nơi. Trong đó nhiều vụ đã dẫn tới án mạng. Thống kê mới nhất của ngành giáo dục, từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 7-2010, trên phạm vi toàn quốc, đã có hơn 1.500 vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường.

Chuyện HS đùa giỡn, nghịch phá và đánh nhau không phải là mới. Song cách hành xử của các em gần đấy rất lạnh lùng và đặc biệt là càng ngày càng được trẻ hóa, thậm chí có những vụ việc xảy ra ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng đã dẫn tới tình trạng đáng báo động về mặt rèn luyện nhân cách, hành vi.

Có thể điểm qua các vụ gần đây như: chiều ngày 14-10, một học sinh Trường trung cấp nghề 26-3 ở TP Biên Hòa, Đồng Nai mang dao vào lớp học đâm chết bạn là Phạm Cao Cường (15 tuổi, ngụ P.Long Bình). Vụ em Nguyễn Cảnh Sang (13 tuổi), học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu đâm chết bạn cùng khối hôm 25-9. Trước đó ngày 16-9, trong giờ thể dục giữa buổi học, một học sinh lớp 10 Trường THPT bán công Đồng Hới (Quảng Bình) cũng thiệt mạng do bạn học khác lớp đâm.

Qua các vụ trên, xâu chuỗi lại nguyên nhân, đa phần là do mâu thuẫn cá nhân; mà con đường dẫn đến hiềm khích lẫn nhau xuất phát từ những chuyện lặt vặt như: một cái nhìn bị cho là “đểu”, va chạm trong lúc ra vào lớp, giành chỗ vui chơi hay giành bạn gái. Tuy nhiên, do tiêm nhiễm thói xấu, hành vi “côn đồ”, bạo lực đầy nhan nhãn trong các trò chơi bạo lực, phim ảnh cộng với việc thiếu quan tâm theo dõi nhắc nhở của gia đình, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường, sự quan tâm của thầy cô nên các em đã chọn phương án tiêu cực để giải quyết với nhau, gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi vụ việc xảy ra, thường thì chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm. Nhà trường đổ lỗi cho các bậc phụ huynh thiếu quan tâm dạy dỗ con cái, khi cho rằng thời gian con trẻ ở nhà nhiều hơn ở trường. Gia đình thì trách nhà trường làm chưa hết trách nhiệm, vì có những vụ thầy cô biết nhưng lại lơ là, chậm can ngăn nên để lại hậu quả lớn. Người có trách nhiệm giáo dục thì nói do chương trình đạo đức không được chú ý. Cuối cùng, trách nhiệm không biết thuộc về ai. Trẻ em vì thế cứ hành xử theo bản năng.

Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Lý trí con người gồm hai phần, lý trí cấu tạo, là do bẩm sinh, và lý trí được cấu tạo có nguyên nhân từ môi trường và hình thành phát triển từ trong xã hội
Với nhà trường, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, thì phải rà soát lại giáo trình học tập và công tác quản lý học sinh đã tốt chưa. Thường tình trạng chung các trường vướng, là những bài học về đạo đức để hình thành nhân cách còn khô khan, sân chơi cho các em lại thiếu; còn yếu và thiếu giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và các sinh hoạt cộng đồng, tập thể. Nói chung là thiếu các công cụ để giáo dục học sinh toàn diện.

Còn tại gia đình, các bậc cha mẹ không thể khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường. Trách nhiệm của phụ huynh đối với con em mình phải là số 1. Vì khi các em rời trường sẽ đối mặt với môi trường nhiều cạm bẫy. Nếu cha mẹ thiếu quan tâm thì các em dễ bị nhiễm các loại văn hóa độc hại như game bạo lực, phim ảnh có nội dung không tốt hay bắt chước làm theo thói hư tật xấu của một bộ phận thanh niên hư hỏng.

Người ta ví trẻ em như búp trên cành, do vậy, để trẻ phát triển tốt, thì sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội phải thật chặt chẽ.
Song song đó, phải tạo nhiều sân chơi, giải trí lành mạnh để giúp trẻ phát triển toàn diện. Ngành giáo dục phải chú ý nhiều hơn nữa trong giáo dục rèn luyện nhân cách, phát triển trí tuệ. Gia đình và các ngành chức năng cần bảo vệ trẻ em chống lại sự xâm nhập của các loại hình giải trí không lành mạnh; các nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như ma túy, nghiện game online…Bác Hồ từng dạy: "Vì lợi ích trăm năm trồng người" và chúng ta sẽ không có chủ nghĩa xã hội nếu không có con người xã hội chủ nghĩa.